Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Chính sách tài khóa toàn diện, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế

09:47 | 25/11/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 25/11, phát biểu tại Diễn đàn Tài chính 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, chính sách tài khóa năm 2021, 2022 là khá toàn diện, kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Đột phá về thể chế tài chính

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo..., Bộ Tài chính đã xây dựng Chiến lược tài chính đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022.

Chiến lược tài chính đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Chính sách tài khóa toàn diện, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế
Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hữu Thọ

Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định, để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã đưa ra đột phá về hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính. Theo đó, trong 2 năm qua, Bộ Tài chính luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN nhằm huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, góp phần củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ngay trong những năm đầu thực hiện Chiến lược, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây sức ép lớn về y tế, kinh tế và trật tự xã hội khiến nhu cầu chi NSNN nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tăng cao trong khi thu NSNN có xu hướng giảm.

Triển khai các nhiệm vụ tài chính - NSNN gặp rất nhiều khó khăn, thực tế thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp chính sách về tài chính - NSNN linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để vừa tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, vừa hỗ trợ giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tốt cân đối NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách thu NSNN, thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác với tổng số tiền hỗ trợ năm 2021 khoảng 123 nghìn tỷ đồng và 10 tháng đầu năm 2022 khoảng 162 nghìn tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Về chi NSNN, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, theo đó, đã ban hành kịp thời các chính sách chi NSNN bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng như: lực lượng tuyến đầu chống dịch; cân đối đủ nguồn lực để mua vắc-xin, vật tư, thiết bị, hóa chất y tế phòng chống dịch; hỗ trợ người bị nhiễm Covid-19; bị cách ly; người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị giảm sâu thu nhập; các đối tượng yếu thế (đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo...); người có công với cách mạng... đảm bảo an sinh xã hội; bảo đảm nguồn NSNN thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, chính sách cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội 10 tháng năm 2022 đạt 11.122 tỷ đồng, tạm ứng hỗ trợ lãi suất khoảng 645 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Đến nay, Quỹ đã thu được hơn 10,5 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Số thuế giảm đến nay là hơn 32 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương đã có các gói hỗ trợ như giảm tiền cước viễn thông, tiền điện, và chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Lắng nghe các chuyên gia hiến kế xây dựng tài chính quốc gia bền vững

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, các giải pháp chính sách tài chính - NSNN được áp dụng trong năm 2021, 2022 là khá toàn diện, kịp thời, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực.

Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83% - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Chính sách tài khóa toàn diện, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 thu hút sự tham dự của đông đảo giới chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước. Ảnh: T.T

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số các nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga - Ukraina đã và đang đã tạo ra cú sốc địa - chính trị sâu rộng, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực trầm trọng; lạm phát tăng cao, một số nước đã xuất hiện tình trạng “siêu lạm phát”, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nguy cơ suy thoái là hiện hữu ở một số quốc gia. Đồng đô la Mỹ mạnh lên, thâm hụt lớn hơn, biến động vĩ mô mạnh hơn, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch và có sự phát triển “ngược dòng” với các nước khi duy trì đà tăng trưởng tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, nhưng là một nước có độ mở lớn nên động lực tăng trưởng cũng chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi NSNN, từ đó ảnh hưởng tới NSNN và an ninh an toàn tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6 về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng… đòi hỏi chính sách tài khóa phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Với yêu cầu trên, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” để lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - NSNN trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng nói.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, với kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các diễn giả quốc tế và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thành công của Diễn đàn và đóng góp nhiều giải pháp mang tính đột phá trong triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tăng chi hơn 182 nghìn tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

Trong các năm 2022 - 2023, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến tăng chi NSNN khoảng 182,6 nghìn tỷ đồng (trong đó, chi đầu tư phát triển là 176 nghìn tỷ đồng...). Ngoài ra, còn dự kiến một số nhiệm vụ chi từ các nguồn Quỹ Viễn thông công ích, nguồn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam