Phối hợp đẩy nhanh cải cách thủ tục hải quan để tăng hiệu quả tạo thuận lợi thương mại

15:51 | 07/12/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 7/12, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị thương mại ‘‘Cải cách Hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam’’. Sự kiện do Bộ Tài chính và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp tổ chức, với mục tiêu hướng đến là gia tăng hiệu quả trong tạo thuận lợi thương mại thông qua cải cách thủ tục hải quan.

Cải cách thủ tục hải quan hướng tới người dân, doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình nỗ lực cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hải quan nói riêng, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại TFP (USAID TFP), các nhiệm vụ quan trọng về cải cách của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả nhất định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Trong đó, việc áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thông qua thực hiện các quy định đồng bộ về quản lý rủi ro và triển khai Chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ; việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trên cơ chế Một cửa quốc gia.

Ghi nhận tại hội nghị cho thấy, với các phiên họp toàn thể và thảo luận chuyên đề, các đại biểu đã trao đổi nhiều về những cải cách thương mại gần đây của Việt Nam, bao gồm việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO, Cơ chế một cửa Quốc gia và Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 mới được phê duyệt gần đây, trong đó đề ra các biện pháp cụ thể để Tổng cục Hải quan trở thành cơ quan hải quan được số hóa hoàn toàn.

Tiếp nữa là thực hiện Chương trình doanh nghiệp (DN) ưu tiên với định hướng tiệm cận khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Hải quan Thế giới, thực hiện công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên đối với các nước thành viên ASEAN; triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định 38/QĐ-TTg (năm 2021)… Đây là những bước cải cách rất quan trọng của cơ quan hải quan nhằm hỗ trợ hoạt động XNK - một trong những động lực phát triển kinh tế.

‘‘Mục tiêu cải cách thủ tục hải quan theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm, lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi… chính là đòn bẩy tạo thuận lợi cho DN, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19…’’ - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Đại biểu thảo luận về cải cách thủ tục hải quan theo hướng tăng hiệu quả tạo thuận lợi thương mại. Ảnh Đỗ Doãn
Đại biểu thảo luận về cải cách thủ tục hải quan theo hướng tăng hiệu quả tạo thuận lợi thương mại. Ảnh Đỗ Doãn

Sẽ giảm 54% thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu

Theo ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam, USAID đã và đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan Việt Nam để thực hiện những cải cách quan trọng đối với thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Những nỗ lực này đang góp phần giảm chi phí và thời gian cho DN do giúp đơn giản hóa các thủ tục XNK và KTCN.

Đơn cử như USAID đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng nghị định KTCN. Những cải cách về pháp lý này sẽ mở ra một mô hình kiểm tra mới được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể là cơ quan hải quan sẽ đóng vai trò là đầu mối thực hiện KTCN, tuân theo chế độ dựa trên hàng hóa và các nguyên tắc quản lý rủi ro.

Trong khi đó, việc thực hiện nghị định về KTCN cũng sẽ giúp kéo giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp DN tiết kiệm khoảng 67 triệu USD mỗi năm thông qua cắt giảm khoảng 2,5 triệu ngày công cùng các chi phí nhập khẩu liên quan. USAID cũng hỗ trợ xây dựng Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030; chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5 năm nay, từ đó góp phần thiết lập lộ trình hiện đại hóa và cải cách hải quan…

‘‘Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác hải quan - DN, điều này sẽ cải thiện tiếng nói của khu vực tư nhân trong vận động chính sách và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hải quan để giảm chi phí và thời gian cho DN. Vì thế, tất cả các bên cùng nỗ lực để hoàn thành những mục tiêu này’’ - ông Bradley Bessire nói.

Xây dựng môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn

Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ kéo dài 5 năm (2018 - 2023) với ngân sách 21,7 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và KTCN, tăng cường thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới). Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính để chuẩn hóa thủ tục hải quan, tăng cường sự phối hợp cấp quốc gia và cấp địa phương, xây dựng năng lực cho cán bộ hải quan. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ Việt Nam xây dựng môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

toàn cảnh hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam