Hà Nội: Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 7%

16:20 | 08/12/2022 Print
(TBTCO) - Năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, TP. Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7% là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.
Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7% là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: NNK

Xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7%

Sáng 8/12, tiếp tục Chương trình tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND thành phố nêu.

Về vấn đề phát triển kinh tế, ông Hà Minh Hải cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, thành phố xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dự kiến cả năm 2022, GRDP của TP. Hà Nội sẽ tăng 8,89%, đây là mức tăng cao so với cả nước. Cân đối thu - chi ngân sách vẫn được bảo đảm khi tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm trước; thu hút vốn FDI tăng 27%.

Về dự báo nguồn thu của năm 2023, UBND thành phố đã xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu và tập trung phân tích, đánh giá khả năng thực hiện thu NSNN năm 2022, những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2023 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế.

Đối với ý kiến nguồn thu từ đất năm năm 2023, dự kiến còn tiếp tục khó khăn, theo ông Hà Minh Hải, thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thu như tập trung vào rà soát lại các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ khoán; quỹ đất, tài sản công, rà soát 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố...

Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7% là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: NNK

Rà soát bổ sung, hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng tài sản công

Về nội dung hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện bổ sung Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030.

Trong đó, đối với tài sản công là nhà, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 9 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, gồm quỹ nhà chuyên dùng, quỹ nhà tái định cư, quỹ diện tích tầng 1 chung cư thương mại phải bàn giao về thành phố… Đối với đất đai, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 5 nhóm quỹ đất dự kiến khai thác giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, đã có 55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung tại 5 tổ thảo luận. Về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo, tờ trình của UBND TP. Hà Nội.

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát bổ sung, hoàn thiện vào đề án” - ông Hà Minh Hải nói.

Về rà soát các dự án giao đất chậm triển khai trên địa bàn, UBND thành phố cho biết đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, đồng thời cụ thể hoá 12 giải pháp, biện pháp của HĐND thành phố để xử lý theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất; phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục./.

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam