Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chủ động, linh hoạt điều hành giá năm 2023

13:21 | 28/12/2022 Print
(TBTCO) - Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 28/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát, theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra.

Quản lý chặt chẽ giá cả dịp tết

Chủ động, linh hoạt điều hành giá cả, thị trường có vai trò quan trọng để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã hết sức trách nhiệm, đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, năm 2022 công tác quản lý, điều hành giá gặp rất nhiều khó khăn, khó nhất là triển khai nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng năm 2022, đã hoàn thành được nhiệm vụ, dưới 4%, các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ được giá hợp lý.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chủ động, linh hoạt trong điều hành giá năm 2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.T.

“Thành tích này không chỉ là của các bộ, ngành, mà điều quan trọng là đời sống của người dân được ổn định”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đối với giá xăng dầu, theo ông Đỗ Thắng Hải, năm 2022, xăng dầu điều hành rất khó khăn, rất dị biệt, nhưng kết quả rất tốt. Dự báo trong năm 2023 giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động phức tạp theo chiều hướng tăng.

Thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch đang đến gần, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp lễ tế, đẩy mạnh các hoạt động bình ổn thị trường, kết nối các địa phương tăng cường bình ổn giá, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, về cơ bản trong năm 2023 đảm bảo lượng hàng hóa về lương thực, thực phẩm. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, có giải pháp giảm phần nhập thịt để đảm bảo nguồn cung trong nước; rau quả thủy sản cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường; đồng thời, tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, giữ ổn định các mặt hàng này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trong điều hành năm 2022 “cũng có nhiều cái lo” khi giá xăng dầu tăng lên. Quan trọng nhất là đã điều hành thành công khi không tạo ra bức xúc. Đối với ngành Giao thông, giá cả trong 5 lĩnh vực được ổn định. “Thích ứng và linh hoạt”, tùy tình hình mà điều hành theo sát thực tiễn. Theo ông Lê Đình Thọ, năm 2023, dự báo giá xăng dầu sẽ tăng. Đầu năm 2023, ngành sẽ triển khai một loạt các dự án cao tốc phía đông, nhưng dự kiến giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng tới lượng giải ngân. Do đó, dự kiến sẽ chủ động tăng dự trữ nguyên vật liệu để chủ động về giá, tránh giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới tiến độ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, năm 2022 chúng ta còn nợ một số việc, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục. Năm 2023 dự báo chi phí vốn toàn cầu sẽ tăng, sẽ tác động đến chi phí của nền kinh tế, nên có thể gây áp lực lên lạm phát và giá cả của nước ta.

Về giá vật liệu xây dựng, hộ tiêu thụ lớn nhất là Bộ Giao thông vận tải. Dự báo giá vật liệu xây dựng cơ bản ổn định, phù hợp, không tạo ra các cú sốc trong năm 2023.

Theo sát diễn biến thị trường để có biện pháp bình ổn kịp thời

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo sát tình hình, cơ bản kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. Đó là thành công lớn, là nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022, trước những diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, tác động nhanh tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước và điều hành lạm phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và các bộ, ngành địa phương đã hết sức quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. “Chỉ số CPI chắc chắn chúng ta kiểm soát được dưới 4%” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã “chủ động, linh hoạt, nắm bắt kịp thời, phản ứng nhanh, phối hợp tốt”. Trong chỉ đạo điều hành, kiểm soát giá, các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, cân đối cung - cầu, sử dụng nhiều công cụ để kiểm soát giá kịp thời.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chủ động, linh hoạt trong điều hành giá năm 2023
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chủ động, linh hoạt trong điều hành giá năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thẳng thắn đề nghị các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong điều hành, cần phải “nhanh nhạy, kịp thời, thống nhất trong chỉ đạo xử lý” trước những vấn đề mới phát sinh, tránh để ảnh hưởng tới cân đối cung - cầu và giá cả thị trường.

Đối với năm 2023, Quốc hội quyết định lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn so với những năm trước, do đó áp lực trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá là rất lớn, cần hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trước mắt, đặc biệt lưu tâm đến kiểm soát giá cả thị trường dịp cuối năm, dịp lễ tết sắp tới, đảm bảo nhân dân đón tết vui tươi, lành mạnh.

Đối với giá các mặt hàng thiết yếu, giá lương thực, thực phẩm, giá vận tải cần được các bộ, ngành kiểm soát chặt, tránh tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Trong năm 2023, Phó Thủ tướng công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Trong đó, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước, đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặc biệt đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đối với các mặt hàng cụ thể cần có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Ngoài ra, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đặc biệt quan tâm. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, thiết yếu, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp nhất là ngay từ thời điểm đầu năm khi CPI dự kiến tăng cao.

Tính toán, chuẩn bị kỹ các phương án giá các dịch vụ công

Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam