Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua lượng trái phiếu kỷ lục để kiềm chế đà tăng lãi suất

09:39 | 02/02/2023 Print
(TBTCO) - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, trong tháng 1/2023, ngân hàng này đã mua vào hơn 23.690 tỷ yen trái phiếu chính phủ (khoảng 182 tỷ USD) nhằm bảo vệ trần lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm. Đây là khối lượng trái phiếu lớn nhất từ trước tới nay mà ngân hàng trung ương này từng mua vào trong vòng 1 tháng.
Tìm hiểu về đồng yen Nhật Bản | WeXpats Guide
Đồng yen của Nhật Bản.

Trước đó, khối lượng trái phiếu cao nhất mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) từng mua vào trong một tháng là 16.200 tỷ yen được ghi nhận vào tháng 6/2022 – thời điểm ngân hàng trung ương này nỗ lực khống chế lãi suất giao dịch JGB kỳ hạn 10 năm ở dưới ngưỡng 0,25%.

Sau đó, vào tháng 12 năm ngoái, BoJ đã bất ngờ tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất này lên ±0,5% nhằm giảm bớt sức ép từ thị trường. Mặc dù vậy, trong chương trình kiểm soát đường cong lãi suất, BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Và để bảo vệ trần lãi suất mới này, BoJ quyết định mua vào một khối lượng không giới hạn JGB kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất cố định 0,5% trong tất cả các ngày giao dịch.

Tuy nhiên, ngay trước thềm phiên họp chính sách định kỳ tháng 1/2023, lãi suất chủ chốt này đã lên tới 0,545% trên thị trường trái phiếu do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng BoJ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đây có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến BoJ phải mua vào JGB với khối lượng cao bất thường như vậy. Mặc dù vậy, trong phiên họp đó, BoJ vẫn quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Vào đầu tuần này, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định việc duy trì lãi suất siêu thấp là cần thiết để hỗ trợ cho việc tăng lương và duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2% một cách bền vững.

Hiện nay, BoJ đang nắm giữ gần 50% khối lượng JGB chưa tới kỳ thanh toán. Điều này đồng nghĩa với việc BoJ sẽ gặp nhiều khó khăn khi thu hẹp quy mô nới lỏng tiền tệ.

TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam