Bàn giải pháp khơi thông vốn tín dụng cho bất động sản

13:08 | 08/02/2023 Print
(TBTCO) - Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã có cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp bất động sản để có giải pháp tín dụng cho lĩnh vực này.

Tham dự cuộc họp này có khoảng 20 doanh nghiệp bất động sản, là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản như: Vingroup, Sun Group, Ecopark, Novaland, Hung Thinh Land…

Bàn giải pháp khơi thông vốn tín dụng cho bất động sản
Buổi họp trực tuyến tại 5 đầu cầu là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Ảnh: C.T
Nhà đầu tư bắt đáy sẽ giải cứu thị trường bất động sản? TP. Hồ Chí Minh đề xuất 10 giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản

Tại cuộc họp này, đại diện NHNN cho biết, trong năm 2022 NHNN không có chủ trương hoặc chỉ đạo nào về việc siết đối với lĩnh vực bất động sản. Một số văn bản chỉ đạo chỉ thể hiện việc tăng cường giám sát với một số phân khúc có tính rủi ro cao để đảm bảo an toàn tín dụng.

Thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2022 vẫn đạt tới trên 21%, cao gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trên thị trường.

Tại cuộc họp này, một số vấn đề lớn liên quan đến chính sách của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản được đề cập, gồm: chính sách về hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng (room); lãi suất vẫn cao làm tăng chi phí tài chính; khó tiến cận vốn; quy trình thủ tục cho vay…

Về vấn đề này, đại diện NHNN cho biết, NHNN chỉ áp dụng room chung cho tổng dư nợ chứ không có room riêng cho từng lĩnh vực. Ngoài ra, vấn đề room chưa phải vấn đề chính khi đã vào năm mới 2023. Do đó, việc không vay được vốn ở thời điểm này không nằm ở việc thiếu room.

Về phía các ngân hàng thương mại, một số ngân hàng cho biết, một số vướng mắc không phải ngân hàng tự quyết định được mà liên quan đến quy định pháp luật.

Ví dụ, một số kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản về giấy phép xây dựng, các ngân hàng cho biết, việc này ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ bằng việc có thể tiến hành thẩm định hoàn thiện hồ sơ trước khi có giấy phép, nhưng khi giải ngân thì vẫn phải có giấy phép ngân hàng mới giải ngân được.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp sẽ cần phải ngồi với nhau để rà soát những vấn đề cụ thể hơn. “Từng ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản sẽ phải rà soát từng khoản vay, từng dự án để nhận định rõ khó khăn từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ” - ông Tú nói.

NHNN tiếp tục tiếp nhận ý kiến để giải quyết

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, NHNN vẫn tiếp tục tiếp nhận kiến nghị của các doanh nghiệp, những khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách nếu nằm ngoài thẩm quyền của NHNN sẽ chuyển cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam