Nhức nhối vấn nạn hàng giả ngay trung tâm Thủ đô

18:52 | 06/04/2021 Print
Ngay tại Thủ đô, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc khủng về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhiều thủ đoạn tinh vi.

hang gia

Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở sản xuất nước giặt giả mạo nhãn hiệu D-nee, Comfort. Ảnh: TL

Liêp tiếp phanh phui nhiều vụ việc "khủng"

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, thực hiện Quyết định số 888 của Tổng cục QLTT về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, thời gian qua, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lớn.

Điển hình, gần đây nhất, sáng ngày 6/4/2021, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm T&T Á Châu tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Thời điểm lực lượng chức năng ập đến kiểm tra, các công nhân tại xưởng sản xuất đang làm việc bình thường. Tại hiện trường, Đội QLTT số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 5 chiếc môtơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.

Trước đó, ngày 2/4, lực lượng liên ngành Hà Nội cũng phát hiện cơ sở tại Phú Lương, Hà Đông, sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan và một số thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Kiểm tra tại cơ sở sản xuất lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn can nước giặt loại 3,5 lít mang nhiều thương hiệu khác nhau. Cùng với đó là hàng trăm thùng hàng đã thành phẩm và nhiều can nhựa, nhãn mác, thùng carton dùng để đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng thu giữ rất nhiều nguyên vật liệu, hóa chất phục vụ cho quá trình sản xuất.

Ngoài ra, một vụ việc nổi cộm về hàng giả không thể không "kể tên" đó là vụ phanh phui hàng vạn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng vào cuối tháng 3/2021.

Chia sẻ với báo giới về vụ việc, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho biết, đơn vị đã phối hợp với Tổ 368 và Cục QLTT TP Hà Nội đột xuất kiểm tra căn nhà 3 tầng thuê tại địa chỉ số 2, DV04 Tây Nam Linh Đàm, phố Bằng Liệt, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Qua đó, phát hiện hơn 10.000 sản phẩm quần áo gắn nhác mác của các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt như: Versace, Gucci, Calvin Klein, Nike, Burberry, Adidas…

hang gia

Phát hiện hơn 10.000 sản phẩm quần áo giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh: TL

Ngày, 29/3, lực lượng liên ngành đã phát hiện cơ sở kinh doanh đang chứa trữ hàng nghìn sản phẩm giày dép giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam, tại phố Thạch Cầu, Long Biên.

Đáng chú ý, các kho hàng bị phanh phui kể trên đều hoạt động chủ yếu bằng hình thức bán online trên mạng xã hội facebook và qua nền tảng thương mại điện tử Lazada, Shopee... Tại thời điểm kiểm tra, một lượng lớn hàng hóa đều đã được đóng gói, dán mã vận đơn để chuẩn bị giao cho đơn vị vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Lật tẩy nhiều thủ đoạn tinh vi

Đại diện Tổng cục QLTT cũng cho biết, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh buôn bán hàng giả là thường di chuyển, đổi vị trí kho hàng liên tục nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. "Các kho hàng giả thường ngụy trang hoặc đóng cửa 24/24, chỉ khi có người giao hàng đến lấy hàng mới mở cửa để chuyển đồ, giao đi cho khách. Điều đó khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý" - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ chia sẻ thêm.

Hay đơn cử như vụ việc lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ hơn 2.000 sản phẩm pin dự phòng giả mạo nhãn hiệu Samsung tại cơ sở kinh doanh số 43BT$ Khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì ngày 26/3 vừa qua. Cục QLTT Hà Nội đánh giá là một hoạt động kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu rất tinh vi.

Cụ thể, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG được ngụy trang và đựng trong các vỏ hộp bình thường không có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Nếu như quá trình kiểm tra không kỹ, không sâu sát sẽ rất khó phát hiện hành vi vi phạm.

Thậm chí, các đối tượng vi phạm còn thuê các địa điểm khuất tầm kiểm tra của lực lượng chức năng để "hành nghề". Ngày 30/3 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho hàng giả "khổng lồ" nằm khuất trong một con ngõ tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội.

Kho hàng này chứa hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm đủ thể loại từ quần áo, giày dép, chăn gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, sách truyện...Toàn bộ số hàng đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Phấn đấu năm 2021, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử cam kết không kinh doanh, bày bán công khai hàng vi phạm.

Qua điều tra của lực lượng chức năng, một trong những phương được cơ sở này sử dụng đó là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS cả chục facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức là trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát giao hàng nhanh.

Có thể thấy, đối với các thủ đoạn này thì điều khó nhất đối với cơ quan chức năng trong việc tiếp cận các kho hàng là phải xác minh được địa chỉ IP facebook vì hoạt động bán hàng online rất chuyên nghiệp, việc vận chuyển cũng được phối hợp với các đơn vị chuyển phát rất nhanh chóng.

Trao đổi với phóng viên TBTCO, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, từ 1/4/2021 - 12/2025, lực lượng QLTT tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả cả thương mại truyền thống và trên nền tảng số. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, túi, ví, thiết bị điện tử, dụng cụ, đồ dùng thể thao, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ thuộc diện siết chặt kiểm soát của lực lượng QLTT./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam