Tầm nhìn và tư duy triết học của Đề cương về văn hóa 1943

10:56 | 03/03/2023 Print
(TBTCO) - Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương) do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng cách đây 80 năm, thể hiện tinh thần “khai phóng”, cách mạng và khoa học sâu sắc của tầm nhìn chiến lược về quá trình vận động, phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Tầm nhìn và tư duy triết học của Đề cương về văn hóa 1943
Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn của Đảng.

Đề cương đã đề cập tới những giá trị cốt lõi, mang tính bản chất và sâu sắc nhất, thể hiện tầm nhìn và tư duy triết học cho định danh, định hướng của nền văn hóa Việt Nam. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ này vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

Đề cương đã nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa, gồm tư tưởng, học thuật và nghệ thuật cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố, trong đó, tư tưởng là thành tố cơ bản nhất. Theo đó, Đề cương là một tổ hợp các vấn đề căn cốt nhất của nền văn hóa Việt Nam mới, với sự phác thảo 2 trụ cột quan trọng nhất của văn hóa, đó là đời sống văn hóa và con người với tư cách là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa và hệ giá trị của nó; tiếp cận truyền thống các giai đoạn trong lịch sử văn hóa Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa nhân dân của các dân tộc; quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị và xác định văn hóa là 1 trong 3 mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hóa); đồng thời đặt ra yêu cầu thái độ của Đảng với văn hóa.

Đề cương đã đề cập 3 phương châm bao trùm, trường tồn của cuộc vận động văn hóa và nền văn hóa mới Việt Nam, đó là Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa. Cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, thì nguyên tắc Dân tộc hóa là đưa văn hóa trở về với đại chúng, về với dân tộc, với chức năng nền tảng tinh thần, độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, đó là mệnh lệnh cao cả của trách nhiệm và lương tri – vì dân, phục vụ nhân dân, vì con người và phục vụ con người. Nguyên tắc phục vụ cho đông đảo, quảng đại quần chúng, đối lập với văn hóa của các giai cấp trước đây vì một nhóm người, bộ phận người, một đối tượng có giới hạn. Đó càng không phải là một xu hướng cải cách mang tính cải lương, mà là một sự đổi mới, cách mạng, khoa học. Do vậy, phương châm Dân tộc hóa đặt lên hàng đầu, gắn với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước. Nguyên tắc Khoa học hóa văn hóa, là loại bỏ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội, là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật, tư tưởng nô dịch và những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Khoa học hóa đã thể hiện tinh thần mang tính quy luật của sự kế thừa, giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Nguyên tắc thứ ba - Đại chúng hóa, “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. 3 phương châm phản ánh những vấn đề bản chất của một nền văn hóa mới, xác lập nguyên tắc hoạt động văn hóa phù hợp với đặc thù Việt Nam. Luận giải các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ thể hiện tinh thần triết học văn hóa mà còn thể hiện tinh thần triết học chính trị sâu sắc đáp ứng nhiệm vụ cứu quốc đang đặt ra hàng đầu.

Cùng với giá trị thế giới quan, tính chất phương pháp luận cũng là vấn đề nổi bật của Đề cương được thể hiện từ chính các nội dung trên. Các nội dung trong Đề cương đều có giá trị định hướng phương pháp luận tiếp cận văn hóa Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đã thể hiện được tính chất cứu quốc, vai trò khai phóng, tiên phong, phục hưng văn hóa dân tộc; tư tưởng văn hóa trở về với dân tộc, với nhân dân. Đó là cái mới, cái nhảy vọt về tư duy – triết học văn hóa Việt Nam, phù hợp thực tiễn mới.

Chức năng phê phán của triết học văn hóa được đề cập một cách sâu sắc trong Đề cương. Trong đó đã xác định, “nhiệm vụ cần kíp” của những nhà văn hóa mácxít trong “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và văn hóa phỉnh dân” để “phát huy văn hóa dân chủ”, trong đó “tranh đấu về học thuật, tư tưởng”… yêu cầu đấu tranh về trường phái, xu hướng phải được đặt lên hàng đầu. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt vấn đề đấu tranh với những quan điểm duy tâm, siêu hình, những xu hướng thần bí trong trong văn hóa, trong đời sống tinh thần của xã hội.

Thực tiễn 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã góp phần quan trọng cho đất nước chuyển căn bản, diệu kỳ từ văn hóa thuộc địa, tiền tư bản sang văn hóa dân tộc, tân dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khích lệ cảm hứng, sáng tạo, tinh thần nhân văn, tiến bộ cho giới trí thức, những người làm văn hóa và quần chúng nhân dân trong nhận thức xã hội, tập hợp lực lượng, cố kết cộng đồng, đoàn kết toàn dân từ những ngày đầu và toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Với niềm tin vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã cổ vũ, động viên tinh thần mới cho nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa và nhân dân từ bỏ quan niệm cũ, đón nhận thế giới quan và nhân sinh quan mới.

Trước vận mệnh quốc gia dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã góp phần to lớn phát huy nền tảng văn hóa giàu bản sắc, phát huy các giá trị phổ quát chân, thiện, mỹ, nhân đạo, nhân văn và tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, đức hy sinh của con người Việt Nam, của một dân tộc nhỏ bé để chiến thắng những tên đế quốc sừng sỏ nhất, hiếu chiến nhất, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thực tiễn đó đã chứng minh sức mạnh giá trị văn hóa Việt Nam - vũ khí tinh thần trở thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn; chứng minh một chân lý “văn hóa còn, dân tộc còn” và điều này kẻ thù đã phải ngỡ ngàng và ngộ ra rằng: thua Việt Nam vì chưa hiểu văn hóa Việt Nam.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẻ vang, song đầy khó khăn thử thách, văn hóa đã lan tỏa, thẩm thấu vào mọi thành phần kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy sức mạnh nội sinh và đã trở thành nguồn lực, tài sản to lớn đưa đất nước chuyển mình phát triển bền vững, phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, con người được tự do, hạnh phúc, ấm no trên nền giá trị văn hóa đặc sắc, quý báu. Tại Đại hội XIII, vấn đề phát triển văn hóa được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc trong thời kỳ mới từ quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, trong đó nguồn lực nội sinh nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Giá trị thế giới quan, phương pháp luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được khẳng định sức sống mãnh liệt mang tầm nhìn chiến lược cả về lý luận và thực tiễn văn hóa trong cách mạng Việt Nam. Đó là cơ sở cho xây dựng, phát triển nền tảng tinh thần của dân tộc Việt Nam, cho quá trình chấn hưng, xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập và tiếp thu sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại. Giá trị thế giới quan, phương pháp luận của Đề cương luôn được lan tỏa, phát huy trong môi trường văn hóa bình đẳng, đa dạng, phát triển của cộng đồng các dân tộc; trong văn hóa phát triển của Chủ nghĩa xã hội Việt Nam; trong xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 3 nguyên tắc cơ bản vẫn là "kim chỉ nam" định hướng và chỉ đạo những hoạt động văn hóa.

Tầm nhìn tư tưởng, tầm khái quát cao về mặt triết học văn hóa của Đề cương định danh cho văn hóa mới, thời kỳ mới của Việt Nam, có giá trị thế giới quan, phương pháp luận về văn hóa cho lý luận, thực tiễn, lịch sử, thời đại và nền tảng tinh thần của Đảng và dân tộc. Vì vậy, phải kiên định, bản lĩnh, tích cực hiện thực hóa sáng tạo các vấn đề có tính nền gốc của văn hóa Việt Nam trong thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay. Có thái độ kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện giáo điều, rập khuôn máy móc trong tiếp cận Đề cương. Đồng thời, luôn phải có quan điểm phát triển về văn hóa; trong đó, quan tâm phát triển những nội dung cơ bản, cốt lõi trong Đề cương cho khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Là một đề cương phác thảo hoạt động của một đảng chính trị trong điều kiện hoạt động bí mật, nên văn bản là những định hướng lớn, những nguyên tắc nền tảng. Điều này đòi hỏi phải quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển. Thực tiễn, lý luận về văn hóa cùng thực tiễn đất nước luôn có sự vận động phát triển. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, được tiếp tục phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn mới và khả năng, tầm nhìn của Đảng ta; trong đó đặc biệt chú trọng sự phát triển các phương châm Dân tộc hóa, Khoa học hóa Đại chúng hóa cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Triết học văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được khẳng định, phát huy sâu rộng, bền vững và sâu sắc cho nền tảng văn hóa, xã hội Việt Nam. 80 năm qua, trải qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển và nguyên tắc có tính chỉ đạo. Vấn đề triết học văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là những quan điểm, nguyên lý không nhất thành bất biến, mà nó có giá trị định hướng, định danh cho sáng tạo trong mọi hành động của con người Việt Nam, có giá trị lịch sử và hiện thời. Quá trình vận động, phát triển, những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 mang đậm tinh thần minh triết, triết lý của chân - thiện - mỹ, nhân đạo, nhân văn cho sứ mệnh lịch sử của văn hóa, của đời sống tinh thần dân tộc./.

Dangcongsan.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam