Còn thế khó cho ngân hàng đầu tư trái phiếu

06:10 | 10/03/2023 Print
(TBTCO) - Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đáp ứng nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp và nhà đầu tư, tháo gỡ phần nào những khó khăn của thị trường trái phiếu thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc ngân hàng vẫn bị ràng buộc bởi các quy định về ngân hàng mua trái phiếu theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN vẫn còn để lại một số băn khoăn về thanh khoản cho thị trường, bởi trước đây các ngân hàng luôn là chủ thể năng nổ nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Vướng mắc nằm ở Thông tư 16

Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành từ tháng 11/2021 và có hiệu lực từ đầu năm 2022, quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Thông tư 16 đã có nhiều quy định siết chặt hơn hoạt động các ngân hàng mua bán trái phiếu doanh nghiệp so với trước đây. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó (trừ một số trường hợp đặc biệt khi phải nhận chuyển giao bắt buộc).

Thông tư 16 quy định một số trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tư 16 quy định một số trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thông tư 16 cũng quy định một số trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp. Đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Một nội dung đáng chú ý nữa là tổ chức tín dụng sau khi bán trái phiếu phải chờ 12 tháng sau mới được mua lại số trái phiếu đã bán đó.

Trong những ngày gần đây, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, có ý kiến chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn có vướng mắc khi thực hiện Thông tư 16. Bởi lẽ, các ngân hàng nếu vẫn còn bị hạn chế tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì thị trường này sẽ vẫn rất khó sôi động. Lý do là, trong suốt thời kỳ trước khi có Thông tư 16, ngân hàng thường là đối tượng tham gia thị trường tích cực nhất ở nhiều góc độ khác nhau, vừa là tổ chức phát hành, vừa là tổ chức trung gian phân phối vừa là nhà đầu tư…

Những góc nhìn khác nhau

Thông tư 16 tuy là một văn bản không mới vì đã được ban hành và có hiệu lực từ hơn 1 năm nay, nhưng gần đây lại được nhắc lại nhiều, nhất là từ sau thời điểm Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 08, bởi tính chất liên quan của văn bản này đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Lê Minh Khang - Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, để khơi thông thị trường trái phiếu thời gian tới cần phải xem xét sửa đổi một số điều của Thông tư 16. Ví dụ việc gói gọn nợ xấu phải không nhỏ hơn 3% mới được đầu tư trái phiếu, có thể thay bằng đánh giá điểm tín nhiệm của ngân hàng thương mại, hay xem xét các chỉ số liên quan đến tỷ trọng dư nợ trái phiếu của các ngân hàng.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích đầu tư Công ty chứng khoán SmartInvest cho rằng, ngân hàng khi được tham gia mua bán trái phiếu cần phải chủ động, linh hoạt, vì trong nhiều trường hợp, họ sẽ mua lại của các nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho trái phiếu. “Do đó, nếu muốn hỗ trợ thị trường trái phiếu thì chỉ cần mở Thông tư 16 ở quy định về việc mua lại trái phiếu để các ngân hàng dễ thực hiện vai trò nhà tạo lập thị trường, bởi hiện nay thị trường đang bị tắc ở kênh mua lại” - ông Khánh nói.

Đó là một số quan điểm đứng trên góc độ thị trường, nhưng trên quan điểm về đảm bảo các yêu cầu về an toàn hệ thống, thì các nhà quản lý cũng có những thế khó riêng.

Thực tế, nhiều nội dung chính của Thông tư 16 bị cho rằng đã tạo ra “rào cản” đối với các ngân hàng tham gia thị trường trái phiếu. Thực tế cũng đã gặp khá nhiều ý kiến phản ứng ngay từ khi thông tư vẫn còn ở dạng dự thảo. Tại thời điểm soạn thảo Thông tư 16, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng đã nhiều lần góp ý về những nội dung có thể làm cản trở việc ngân hàng tham gia thị trường trái phiếu. Tại thời điểm đó trước các ý kiến của các thành viên VNBA, đại diện NHNN cũng có sự giải thích cho biết, NHNN đưa ra một số quy định có thể khó cho các ngân hàng, nhưng bù lại sẽ giúp tăng cường chuẩn tín dụng, đảm bảo để các ngân hàng quản lý được dòng tiền ra dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời đảm bảo được việc xử lý rủi ro tín dụng phát sinh sau này.

Lạm dụng repos trái phiếu có thể làm “nhảy múa” số liệu tài chính

Quy định trong Thông tư 16 yêu cầu ngân hàng sau khi bán trái phiếu phải sau 1 năm mới được mua lại đã tạo ra một hàng rào kỹ thuật khiến các ngân hàng không thể lạm dụng nghiệp vụ repos trái phiếu (bán sau đó mua lại) làm sai lệch bản chất các số liệu tài chính. Ví dụ, ngân hàng A có thể bán một khối lượng trái phiếu vào cuối tháng 12 năm trước và cam kết mua lại vào đầu tháng 1 năm sau. Động thái này có thể làm “nhảy múa” nhiều số liệu tài chính quan trọng như dư nợ tín dụng, cơ cấu tài sản, dòng tiền… của ngân hàng tại thời điểm chuyển giao niên độ kế toán.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam