Giải pháp “mạnh tay” xử lý nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

09:16 | 15/03/2023 Print
(TBTCO) - Để giảm tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất thêm các giải pháp “mạnh tay” xử lý các đơn vị nợ đọng, trốn đóng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Khoảng hơn 2,13 triệu lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 số nợ này là trên 9.500 tỷ đồng; năm 2017 trên 9.700 tỷ đồng; năm 2019 trên 10.000 tỷ đồng và năm 2020 trên 11.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 30% tổng số nợ. Tổng số tiền chậm đóng BHXH của các đơn vị bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung

Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cộng dồn đến hết năm 2022, số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị DN chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình DN, với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu (tính đến cuối năm 2022). So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, pháp luật về BHXH tại Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về việc giải quyết chế độ của người lao động trong trường hợp DN chậm đóng, trốn đóng BHXH bị phá sản, dừng hoạt động. Mặc dù một số luật như Luật DN, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đó không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên khi thanh lý tài sản (ưu tiên sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc,...).

Mặt khác, phần lớn các DN phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, nên người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian DN chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ngừng sử dụng hóa đơn với đơn vị nợ bảo hiểm 6 tháng trở lên

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất thêm nhiều biện pháp xử lý “mạnh tay” hơn đối với các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Theo đó, tại Điều 44 quy định về xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, dự thảo luật đề xuất người sử dụng lao động sau thời hạn đóng BHXH chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có quyền ngừng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Sau khi thực hiện các biện pháp trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng BHXH bắt buộc thì tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH sẽ khởi kiện ra tòa án và kiến nghị khởi tố hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh các giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất bổ sung quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp. Đồng thời, cơ quan chức năng có văn bản nhắc đóng BHXH tối đa 3 lần với những DN nợ đọng, sau đó thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục vi phạm thì tổ chức thanh tra, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Theo ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), có nhiều đề xuất xử lý DN chậm đóng BHXH như thêm chế tài xử phạt, phong tỏa tài khoản, song việc xử phạt cần cân nhắc, tạo điều kiện cho các DN khắc phục, giữ việc làm cho lao động và cần phân biệt rõ DN khó khăn thực sự với đơn vị cố tình trốn đóng.

Đề xuất giải quyết chế độ cho lao động tại các đơn vị còn nợ đọng

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các phương án giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền BHXH. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất cho phép giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH).

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam