Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực lạm phát

08:15 | 22/03/2023 Print
(TBTCO) - Theo báo cáo Điểm lại: Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, trong năm 2023, áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam là không nhỏ, đến từ cả trong nước và thế giới còn nhiều bất định.

Lạm phát 2023 dự kiến ở mức 4,5%

Báo cáo nhận định, trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro lạm phát tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài và nguy cơ dễ tổn thương trong nước. Hiện nay, viễn cảnh thế giới các năm 2023 - 2024 cho thấy có nhiều trở ngại, trong đó tăng trưởng toàn cầu dự kiến tương ứng đạt 1,7% và 2,7%; lạm phát tiếp tục ở mức cao và các quốc gia phát triển vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cho đến giữa năm 2023.

Phân tích rõ hơn áp lực lạm phát với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam cho biết, áp lực lạm phát kéo dài và viễn cảnh chính sách tiền tệ còn bị thắt chặt hơn nữa, nhất là ở Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro có thể gây ra biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến khu vực tài chính của Việt Nam. Ngoài ra, rủi ro phi toàn cầu hóa vẫn đang lơ lửng trước mắt, khi xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng làm dấy lên bất định về hướng đi của tăng trưởng và thương mại toàn cầu trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế mở quy mô nhỏ như Việt Nam.

Nhìn từ trong nước, lạm phát cao và rủi ro tài chính gia tăng, dẫn đến áp lực mất ổn định về chi phí sản xuất và lương danh nghĩa. Theo dự báo của WB, lạm phát CPI bình quân tại Việt Nam dự kiến rơi vào khoảng 4,5% trong năm 2023, dự kiến giảm còn 3,5% trong năm 2024 và 3% trong năm 2025, quay về các mức trước đại dịch.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới  Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Thế giới. Đồ họa: Văn Chung

Lý giải về dự báo của WB, bà Dorsati cho biết, con số dự kiến này dựa trên giả định là lạm phát trong nửa đầu năm sẽ bị ảnh hưởng do cú sốc giá nhiên liệu hồi tháng 3/2022 vẫn chưa hết hẳn dư chấn và việc dừng chính sách giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong gói hỗ trợ kinh tế năm 2021. Đến nửa cuối năm 2023, giá điện dự kiến được nâng lên do các bậc giá đã được phê duyệt; giá tối đa và tối thiểu sẽ tăng lần lượt 13,7% và 28,2% so với cơ cấu giá năm 2017. Chính phủ có kế hoạch tăng lương, dự kiến lương công chức sẽ được điều chỉnh trong nửa cuối năm, đồng thời, việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế cũng sẽ tác động tới lạm phát.

Duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt

Theo bà Dorsati, rủi ro nhìn chung cân bằng, nhưng nhiều bất định khiến cho cân đối chính sách trở nên khó khăn khi phải cân nhắc đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát. Khó khăn cả trong nước và bên ngoài đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có những phản ứng chính sách theo cách phối hợp và dựa vào dữ liệu. Chính sách tiền tệ linh hoạt, được phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu chính sách tài khóa, có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước.

Lạm phát cao có thể làm giảm động lực tiêu dùng trong nước

Theo Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, lạm phát cao hơn và kéo dài hơn có xu hướng làm giảm động lực tiêu dùng trong nước do giá cả các mặt hàng cao hơn, đồng thời giảm động lực đầu tư trong nước do bất định về tình hình kinh tế gia tăng. Bên cạnh đó, những hạn chế trong cơ chế chính sách và giám sát khu vực tài chính cùng những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình có thể làm tăng thêm rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước.

Vị chuyên gia kinh tế cao cấp của WB lưu ý, mặc dù tăng lãi suất là cần thiết để kiềm chế áp lực tỷ giá và lạm phát, nhưng đảm bảo thanh khoản đầy đủ cũng quan trọng để đảm bảo các thị trường tài chính quan trọng vận hành trơn tru trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Theo đó, tiếp sau những biện pháp thắt chặt các năm trước, chính sách tiền tệ cũng cần tiếp tục mục tiêu cân bằng lạm phát, ổn định tài chính và tăng trưởng. Vì lạm phát cơ bản và toàn phần trong nước tiếp tục tăng cao hơn so với mục tiêu chính sách do Chính phủ đề ra, quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng và an toàn có lẽ là phù hợp trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu lạm phát cơ bản và toàn phần tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát thông qua tiếp tục tăng lãi suất, nhưng tiếp tục tăng lãi suất có thể làm trầm trọng hơn các điểm yếu hiện có trong lĩnh vực tài chính. Do đó, việc duy trì tính thanh khoản cần thiết hỗ trợ các thị trường vốn chính là tối quan trọng để tránh lạm phát bùng lên.

Theo WB, nhìn ra bên ngoài, viễn cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt, nhất là ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể làm cho suy giảm kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, khiến dòng vốn đầu tư tiếp tục rút khỏi các quốc gia thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam, gây áp lực lên tỷ giá. Trong trường hợp đó, phương án nâng cao tính linh hoạt trong điều hành tỷ giá có thể giúp đối phó với áp lực bên ngoài.

Bà Dorsati cũng khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh cách thức can thiệp tỷ giá để tránh hao hụt dự trữ, qua các phương án nhằm nâng cao độ linh hoạt của tỷ giá và tiếp tục thắt chặt thanh khoản trong nước. Trong các phương án trên, phương án tăng nhịp độ hạ tỷ giá trung tâm để đối phó với áp lực neo danh nghĩa cần được cân nhắc. Song song với các bước đó là nhu cầu các quyết định chính sách tiền tệ cần được truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, làm giảm bất định và xáo trộn trên thị trường tài chính, qua đó giúp neo kỳ vọng lạm phát. Trong trung hạn, những cải cách căn bản hơn cần được thực hiện để tăng cường khung chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và tiến tới chính sách dựa vào chỉ tiêu lạm phát, qua đó nâng cao hiệu quả và tác động truyền dẫn của chính sách tiền tệ. Trong đó, cần thực hiện các bước nhằm mở rộng các công cụ sẵn có để quản lý thanh khoản, bên cạnh tăng cường các biện pháp an toàn vĩ mô.

Nhiều khả năng lạm phát duy trì dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Từ đầu năm 2023, nhiều ý kiến chuyên gia đã nhìn nhận việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm không hề đơn giản trong bối cảnh nhiều tác động bất ổn từ tình hình thế giới và khó khăn trong nước. PGS. TS. Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định, các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần...

Nhận định về tình hình lạm phát trong nước, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022 cùng với nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2023 sẽ khiến áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Bởi lẽ, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá, hay nhiên nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Lạm phát trung bình năm 2023 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,5%.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp, trong khi lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, song ông Long cho rằng, nhìn vào số liệu CPI bình quân năm trong 5 năm (2018 - 2022) thì thấy CPI biến động không nhiều và có xu hướng đi ngang. Trong khi đó, giá nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2023; Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau khi thực hiện zero Covid. Sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn đang phát triển khá tốt, GDP năm 2022 tăng 8,02% - là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm nay...

"Vì vậy, CPI bình quân năm 2023 so với năm 2022 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,2 - 3,5%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi" - PGS.TS. Ngô Trí Long nói.

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam