Vì sao xuất khẩu thủy sản vẫn trầm lắng?

09:28 | 29/03/2023 Print
(TBTCO) - Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 336,4 triệu USD, giảm 23% (so với cùng kỳ năm 2022). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, giảm 27%. Các chuyên gia cho rằng, tình hình sản xuất - xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng do nhiều nguyên nhân.

Xuất khẩu thuỷ sản giảm mạnh

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, quý I/2023 xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản sụt giảm mạnh. Trong đó, tôm là mặt hàng XK chủ lực quý I năm nay lại là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất, tới 40%, tương ứng trị giá 335 triệu USD; tiếp đến cá tra giảm 38%, tương ứng 240 triệu USD; cá ngừ giảm 30%, tương ứng trị giá 109 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%...

Tình hình sản xuất – xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng.
Tình hình sản xuất – xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng.

Top 5 thị trường XK thủy sản chính, chiếm 58,18% tổng kim ngạch XK của toàn ngành đều sụt giảm mạnh, cụ thể: Nhật Bản đạt 187 triệu USD, giảm 11%. Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55%. Trung Quốc đạt 151 triệu USD, giảm 11%. Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%...

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng XK thủy sản vẫn trầm lắng trong thời gian qua, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Vasep, lý giải do lạm phát khiến nhu cầu nhập khẩu (NK) giảm và chi phí đầu vào cho sản xuất, XK tăng cao. Trước tiên là câu chuyện về thức ăn chăn nuôi thủy sản. Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, liên quan đến thị trường Hàn Quốc - thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành hàng tôm, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc thực thi từ năm 2015 đến nay tưởng như tạo thuận lợi về thương mại và thuế quan NK cho sản phẩm tôm Việt Nam, nhưng sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị vướng quy định về hạn ngạch.

Cụ thể, Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14 - 16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài quota thì mức thuế NK là 20%. Như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam của Hàn Quốc chịu mức thuế 14 - 20% là chưa đúng tinh thần của hiệp định.

Vì vậy giữa tháng 3/2023, Vasep đã gửi công văn số 25/CV-Vasep tới Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản tươi sống gặp khó

Với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khi XK thủy sản tươi sống sang thị trường này. Các doanh nghiệp cho biết trong thời gian gần đây, đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng XK thuỷ sản tươi sống thì liên tiếp 11 lô hàng bị phân luồng đỏ.

Là doanh nghiệp XK mặt hàng thủy sản tươi sống chủ yếu qua cảng ICD Thành Đạt-Km3+Km4 tại cặp chợ biên mậu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho biết, công ty đang đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng, vì đây không phải hoạt động XK chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam

Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Hiện, Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Các mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.

Cụ thể, theo yêu cầu của phía Hải quan Trung Quốc thì cư dân biên giới phía Việt Nam khi XK thủy sản sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch do Cục Quản lý chất lượng thủy sản cấp nhưng giấy chứng thư thì phải là doanh nghiệp có cơ sở đủ điều kiện được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cấp phép mới được sản xuất, sơ chế, chế biến hoặc bao gói.

Tuy nhiên, đối với hầu hết thủy sản sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức XK cư dân biên giới.

Trong khi đó, doanh nghiệp lại không được trực tiếp XK theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác XK cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hoá đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế. Như vậy thì doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan thuế.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp XK dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, doanh nghiệp thủy sản muốn XK sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 doanh nghiệp đã được phía Trung Quốc cấp. Hoặc doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép. Hiện Trung Quốc cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản. Ông Tiệp đề nghị doanh nghiệp kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là mã HS, nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan./.

Hà Hạnh

© Thời báo Tài chính Việt Nam