Trái phiếu doanh nghiệp phát tín hiệu “ấm dần lên"

07:16 | 31/03/2023 Print
(TBTCO) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang cho thấy một số tín hiệu tích cực, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành. Riêng trong tháng 3/2023 đã có hơn 24.400 tỷ đồng được huy động thành công. Theo các chuyên gia, thị trường này đang có nhiều cơ hội để “ấm dần lên”, khi các chính sách hỗ trợ vẫn tiếp tục được Chính phủ ban hành và quyết liệt triển khai.

Phát hành thành công hơn 24.400 tỷ đồng trong tháng 3

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ sau giai đoạn phát triển nhanh đã chuyển sang trạng thái trầm lắng, khi các doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Tuy nhiên, thị trường này đang có những tín hiệu ban đầu khá tích cực, đặc biệt là khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực.

Nguồn: https://cbonds.hnx.vn/ Đồ họa: DUY THÁI
Nguồn: https://cbonds.hnx.vn/. Đồ họa: Duy Thái

Theo dữ liệu trên Trang thông tin TPDN của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ tính từ đầu tháng 3 tới 30/3, đã có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công được công bố trên website của HNX. Tổng giá trị TPDN phát hành thành đạt 24.425 tỷ đồng, với đa dạng các kỳ hạn và lãi suất khác nhau.

Trong số 10 đợt phát hành này, nếu tính trên 1 đợt phát hành, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living là đơn vị huy động có giá trị cao nhất (4.800 tỷ đồng); nếu tính theo giá trị huy động trong tháng thì Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên có giá trị huy động cao nhất (7.200 tỷ đồng).

Về lãi suất, một số doanh nghiệp phát hành với lãi suất khá cao, chẳng hạn như: Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam (13%/năm); Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Nam An (13%/năm); Công ty CP Phân phối HDE (12%/năm). Kỳ hạn cũng khá đa dạng, khi có những doanh nghiệp phát hành với kỳ hạn lên tới 7 năm (BAF Việt Nam: 5,5%/năm, 7 năm), trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ phát hành với kỳ hạn chỉ 1 năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường TPDN đã có những chuyển động tích cực từ thực tiễn khi chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành đã bước đầu phát huy tác dụng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị, chủ động trong phương án phát hành nên khi chính sách được ban hành sẽ triển khai ngay. “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng rõ ràng những chuyển động thực tiễn này là tín hiệu đáng mừng. Sau chính sách sẽ là hành động, kỳ vọng thị trường TPDN riêng lẻ sẽ ấm lại và phát triển theo hướng chất lượng, minh bạch hơn” – một chuyên gia chia sẻ.

Cơ hội “ấm dần lên” về cuối năm khi tin tốt tăng dần

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh - chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, ngay từ đầu năm 2023, ngày càng gia tăng các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán nợ và đối diện nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nợ, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và bán hàng ảm đạm.

Giữa tháng 2/2023, 54 tổ chức phát hành TPDN đã thông báo chậm trả lãi, làm dấy lên lo ngại về thanh khoản. Chuyên gia của VNDIRECT ước tính khoảng 38.500 tỷ đồng trái phiếu từ các tổ chức này sẽ đáo hạn trong 2023 (trong đó có khoảng 93% đến từ doanh nghiệp BĐS). Điều này cho thấy rủi ro xảy ra mất khả năng thanh toán nợ rất đáng lưu ý.

Cơ hội giảm áp lực đáo hạn trong năm 2023

Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), dự thảo sửa đổi Thông tư 16 có tính phối hợp với tinh thần của Nghị định 08, theo đó cho phép tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng cũng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà trước đó đã bán ra đến trước 31/12/2023, nhằm gỡ áp lực do đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi tổ chức phát hành không có khả năng mua lại. Việc Ngân hàng Nhà nước mở đường cho tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực đáo hạn trong năm 2023, tuy nhiên mức độ tác động đến thị trường này còn nhiều giới hạn và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ ban ngành trong thời gian tới.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương Thanh, Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ có thể giúp xoa dịu áp lực thanh khoản trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các vấn đề cốt lõi của thị trường BĐS như tháo gỡ pháp lý, khơi thông dòng vốn, khôi phục niềm tin người mua nhà vẫn còn đang bỏ ngỏ về chính sách. Do đó, chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS trong 3 - 6 tháng tới, đặc biệt đảm bảo ưu tiên những dự án đang xây dựng dở dang để có thể bàn giao kịp thời đến khách hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức giảm lãi suất điều hành cũng đang tạo kỳ vọng sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay. Mặc dù việc sắp xếp tín dụng cho các doanh nghiệp BĐS sẽ khắt khe hơn và chắc chắn không có chuyện đại trà, nhưng dù gì đây cũng là một tín hiệu tốt.

Chẳng hạn như, việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo ngành Ngân hàng giải ngân nhanh gói 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, thì ít nhiều cũng sẽ giúp cho thị trường BĐS chung ấm lên và đó là cơ hội cho các tổ chức phát hành có nguồn lực để trả nợ trái phiếu.

Một động thái mới nhất và được cho là một trợ lực rất lớn giúp thị trường TPDN giảm bớt khó khăn là dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Trao đổi về dự thảo này, theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings, sẽ có rất nhiều điểm tích cực cho thị trường TPDN. Theo ông Thuân, dự thảo đã cho phép tổ chức tín dụng mua TPDN có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động.

Đồng thời, tổ chức tín dụng được phép mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM mà tổ chức tín dụng trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023. “Đây có lẽ là vấn đề có ý nghĩa nhất trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn” - ông Thuân cho hay./.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam