Giao thương Việt - Anh sẽ phát triển mạnh từ lực đẩy của Hiệp định CPTPP

06:05 | 15/04/2023 Print
(TBTCO) - Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc một số mặt hàng xuất khẩu của các nước thành viên sang quốc gia này, bao gồm Việt Nam, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương trước đó, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn.

Thêm ưu đãi thuế cho hàng Việt

Ngày 31/3, Anh đã tuyên bố kết thúc thành công đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 21 tháng đàm phán (bắt đầu từ tháng 6/2021) và sẽ đi đến ký kết chính thức hiệp định với các nước thành viên trong năm 2023 - mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại với các nước thành viên.

Thủy sản là mặt hàng có nhiều lợi thế xuất khẩu sang Anh.
Thủy sản là mặt hàng có nhiều lợi thế xuất khẩu sang Anh.

Việt Nam và Anh hiện đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), có hiệu lực từ năm 2021 đang được triển khai khá hiệu quả. Song kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Cụ thể, hàng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 1% nhu cầu nhập khẩu của thị trường Anh. Hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Anh chiếm khoảng 0,2% giá trị xuất khẩu của Anh ra thế giới. Anh hiện đứng thứ 16 trong gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, mặc dù Anh là 1 trong 5 nước có đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới.

Vì vậy, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ củng cố, bổ sung cho Hiệp định UKVFTA và nâng cấp mối quan hệ song phương của hai nước với các mức thuế ưu đãi bổ sung. Theo đó, gia nhập CPTPP đồng nghĩa với việc một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh của các nước thành viên, bao gồm Việt Nam, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương trước đó, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn.

Việc gỡ bỏ các rào cản thương mại cũng sẽ hỗ trợ an ninh kinh tế chung của Anh và Việt Nam khi hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau và đa dạng hóa hoạt động thương mại. Những lợi ích này sẽ xúc tiến thương mại, hỗ trợ nền kinh tế và tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp của hai nước.

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew cho biết: “Đây là một cột mốc quan trong trong quan hệ thương mại của Vương quốc Anh với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi rất vui mừng khi CPTPP sẽ bổ sung thêm cho Hiệp đinh UKVFTA và tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại đang phát triển giữa hai nước”.

Biết điểm yếu mới tận dụng hiệu quả cơ hội

Từ góc độ các doanh nghiệp Anh, ông Matt Ryland - Giám đốc điều hành BritCham (Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam) đánh giá cao các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên khi Anh gia nhập CPTPP. Ông nhấn mạnh: “Đây là một bước nữa trong việc tiếp tục tăng cường không chỉ thương mại giữa Anh và Việt Nam, mà còn cả các cơ hội trong khu vực. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước chúng ta”.

Mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp

Theo đánh giá của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, tư cách thành viên CPTPP của Anh cũng có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư ở tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam thông qua các quy tắc hiện đại giúp dễ dàng thiết lập, vận hành các khoản đầu tư và kinh doanh tại quốc gia này.

Có thể nhìn thấy rõ tiềm năng và cơ hội thúc đẩy hợp tác, giao thương Việt - Anh khi Anh gia nhập CPTPP, điều quan trọng là làm sao tận dụng được các tiềm năng này một cách hiệu quả.

Theo các chuyên gia, Anh là một thị trường khá khắt khe với yêu cầu tiêu chuẩn kĩ thuật, yêu cầu chất lượng hàng nhập khẩu cao. Tiếp đó, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là những thách thức không nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi Anh là một thị trường có “truyền thống” sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh một cách “sòng phẳng” với các sản phẩm do doanh nghiệp Anh sản xuất cũng như các của các đối thủ cạnh tranh khác đang có mặt trên thị trường Anh, nhất là khi CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận thị trường Anh cho các thành viên còn lại của hiệp định, không riêng gì Việt Nam. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ cung cấp thông tin từ các cơ quan thương mại, sự cố gắng thay đổi tự thân của các doanh nghiệp rất quan trọng.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, một nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt chưa vào được thị trường này, mặc dù có sản phẩm tốt, là ở chiến lược và phương pháp marketing của doanh nghiệp chưa phù hợp, cả về công nghệ, thiết kế hình ảnh và ngôn ngữ.

Vì vậy, để tận dụng tốt các FTA song phương và đa phương đã ký với Anh, thì đây là điều mà các doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện để thích ứng. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại có trí tuệ nhân tạo để phân tích thị trường nhanh hơn, tiếp cận thị trường Anh hiệu quả hơn./.

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam