Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã kết thúc, nhưng rủi ro vẫn còn

19:08 | 25/05/2023 Print
(TBTCO) - Các mối đe dọa đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu đã giảm dần, nhưng ngành ngân hàng có thể buộc phải cắt giảm cho vay và cải tiến các mô hình kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cao hơn, các giám đốc điều hành ngành ngân hàng cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành diễn ra ngày 24/5, tại Anh.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã kết thúc, nhưng rủi ro vẫn còn

Cuộc khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon đã kết thúc, tuy nhiên, các ngân hàng yếu hơn có thể cắt giảm cho vay trong bối cảnh lãi suất cao và lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: WSJ

"Tôi nghĩ rằng như một rủi ro mang tính hệ thống, nó (cuộc khủng hoảng ngân hàng) hiện đã kết thúc" - Chủ tịch ngân hàng UBS Colm Kelleher nói tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành, do Tạp chí Phố Wall tổ chức ở London, Anh ngày 24/5. "Những gì chưa được giải quyết là mô hình cấp vốn sẽ hoạt động trong tương lai" - ông Kelleher nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành ngân hàng Barclays, C.S. Venkatakrishnan cho biết thêm, cuộc khủng hoảng “cấp tính” đã qua nhưng nhiều ngân hàng sẽ buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh của họ - bao gồm có thể bằng cách cắt giảm cho vay.

Hai giám đốc điều hành đã đưa ra nhận xét của họ tại một hội nghị bị chi phối bởi cuộc thảo luận về lạm phát cao, tình trạng không chắc chắn của nền kinh tế Vương quốc Anh và những lo ngại về tương lai của London như một trung tâm tài chính toàn cầu.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết, các nhà quản lý sẽ buộc phải giải quyết mô hình cấp vốn của các ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng có tiền gửi không được chính phủ bảo hiểm đầy đủ.

Trong khi lạm phát đã giảm ở Mỹ, nó đang có ít dấu hiệu giảm ở Anh, đe dọa sẽ mang lại nhiều khó khăn hơn cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Các nhà kinh tế hiện kỳ vọng Vương quốc Anh sẽ tránh rơi vào suy thoái trong năm nay và thay vào đó sẽ đạt được sự tăng trưởng khiêm tốn, nhưng lạm phát hiện đứng ở mức 8,7% trong tháng 4 vừa qua và dự kiến sẽ khó giảm nhanh, đòi hỏi ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất cao hơn để hạ nhiệt nền kinh tế.

Dữ liệu được công bố hôm 24/5 cho thấy, lạm phát cơ bản của Vương quốc Anh, loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm, đã tăng lên 6,9%, mức cao nhất kể từ năm 1992, được thúc đẩy bởi mức lương và lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn.

Lạm phát leo thang nhanh chóng đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và các ngân hàng trung ương khác nhanh chóng tăng lãi suất kể từ đầu năm 2022 để hạ nhiệt nền kinh tế. Điều đó đến lượt nó đã làm mất giá của trái phiếu chính phủ vốn mang lãi suất cố định thấp, dẫn đến giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của nhiều ngân hàng bị giảm mạnh.

Hậu quả từ sự sụt giảm đó, đã khởi động cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng 3/2023, dẫn đến sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực của Mỹ như Ngân hàng Thung lũng Silicon và đẩy nhanh sự sụp đổ của Credit Suisse của Thụy Sỹ dẫn đến thương vụ mua lại ồn ào của UBS.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã đề cập đến khả năng nhiều sự sát nhập hơn trong ngành ngân hàng, sau khi bán một ngân hàng bị sụp đổ, First Republic Bank, cho tập đoàn JPMorgan Chase. "Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta duy trì một lĩnh vực ngân hàng đa dạng, với sự kết hợp lành mạnh của các ngân hàng lớn, ngân hàng khu vực, ngân hàng cộng đồng cỡ vừa" - bà Yellen nói.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã kết thúc, nhưng rủi ro vẫn còn
Lạm phát leo thang nhanh chóng đã khiến FED và các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất liên tục để hạ nhiệt nền kinh tế, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngân hàng được bắt đầu từ Mỹ vào tháng 3 năm nay. Ảnh: Reuters

Ông Venkatakrishnan cho biết, nhiều ngân hàng có thể sẽ buộc phải chuyển số lượng nắm giữ của họ, với các tài sản như trái phiếu chính phủ đã giảm giá trị khi lãi suất tăng. PacWest Bancorp, một công ty cho vay khu vực có cổ phiếu giảm giá trong năm nay, gần đây đã đạt được thoả thuận bán một chi nhánh cho vay bất động sản

"Nhiều ngân hàng khác có thể không gặp vấn đề về tài sản ở mức độ mà Ngân hàng Thung lũng Silicon hoặc First Republic gặp phải" - Venkatakrishnan nói. "Nhưng, họ có một vấn đề lớn hơn họ mong muốn, vì vậy, họ đang tìm cách bán danh mục đầu tư và tự chữa trị, điều đó có nghĩa là cho vay ít hơn".

Chủ tịch ngân hàng UBS, ông Colm Kelleher cũng cho biết, các cơ quan quản lý sẽ buộc phải giải quyết mô hình cấp vốn của các ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng có tiền gửi đầy rủi ro do không được chính phủ bảo hiểm.

Những nghi ngờ về sức khỏe của các ngân hàng đang khiến một số hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển sang các mô hình cho vay và nhà đầu tư bên ngoài các ngân hàng truyền thống, vốn không hoạt động theo các quy chuẩn của ngành ngân hàng. Ví dụ, các quỹ thị trường tiền tệ đã rút tiền từ hệ thống ngân hàng.

Dữ liệu của FED công bố đầu tháng 4 cho thấy, tiền gửi ngân hàng đã giảm 363 tỷ USD xuống còn 17,3 nghìn tỷ USD kể từ đầu tháng 3, khi cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra. Trong khi đó, tài sản trong các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng 304 tỷ USD, lên mức kỷ lục 5,2 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Viện Công ty Đầu tư.

"Tôi nghĩ rằng có một câu hỏi rất lớn ở đây cần được giải quyết và nó nên được giải quyết bởi vì, bạn không muốn nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực ngân hàng ngầm" - ông Kelleher nói./.

Hoàng Lê (theo The Wall Street Journal)

© Thời báo Tài chính Việt Nam