Giá cả đã không còn “té nước theo mưa”

08:30 | 05/07/2013 Print
Trái với những đợt tăng giá trước đó, đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 28/6), cùng với việc lương cơ bản được điều chỉnh tăng thêm 100 nghìn đồng từ 1/7 đã không ảnh hưởng nhiều tới giá cả các mặt hàng thực phẩm. Thậm chí, nhiều mặt hàng thực phẩm không những không tăng giá mà còn có xu hướng giảm.

Giá thực phẩm ổn định

Theo khảo sát của phóng viên ngày hôm nay tại các chợ: Thành Công, Thái Hà, Láng Hạ… của Hà Nội, giá nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn tương đối ổn định so với trước thời điểm tăng giá xăng. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra ở những lần có "cú đúp" tăng giá, vừa tăng giá xăng dầu công với tăng lương trước đó.

Tại chợ Láng Hạ, giá một số loại thực phẩm được nhiều người cho là ổn định. Cụ thể: thịt lợn thăn 100 nghìn đồng/kg, sườn 110 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ, nạc mông giá 90 nghìn đồng/kg, cá chép (loại 2-3kg/con) giá 110 nghìn đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/mớ, mồng tơi 3.000 đồng/mớ, mướp 10 nghìn đồng/kg…

Tại chợ Thành Công, thịt gà ta mổ sẵn không những không tăng mà còn giảm 10 nghìn đồng/kg, dao động từ 120-130 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp 60-70 nghìn đồng/kg, trứng gà ta 30 nghìn đồng/chục (giảm 3 nghìn đồng), trứng gà công nghiệp giá 23-25 nghìn đồng/chục, tôm 90-150 nghìn đồng/kg (tùy từng loại to hay nhỏ), ngao 20-25 nghìn đồng/kg...

Rau xanh tại các siêu thị giá ổn định. Ảnh: M.N.

Chị Nguyễn Diệu Thúy, nhà ở Thành Công cho biết, giá các loại thực phẩm, từ thịt đến rau xanh… vẫn tương đối ổn định, thậm chí một số mặt hàng như rau xanh giá còn giảm. Theo phân tích của chị Thúy, có thể là do đang bước vào mùa vụ, nên lượng cung nhiều hơn cầu, do đó dù xăng có tăng giá, hay lương có tăng nhưng các mặt hàng này vẫn ổn định.

Giá thực phẩm không chỉ ổn định tại các chợ dân sinh. Tại các siêu thị, những mặt hàng này cũng không có gì biến động. Bà Nguyễn Thanh Huyền, đại diện siêu thị Big C cho biết, hiện siêu thị chưa nhận được sự thông báo tăng giá nào của các nhà cung cấp.

“Do chúng tôi đã ký kết hợp đồng cung ứng từ đầu năm, nên giá cả trong siêu thị tương đối ổn định. Hiện chúng tôi chưa nhận được thông báo nào về việc tăng giá từ các nhà cung cấp. Nếu nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, chúng tôi cũng phải xem xét kỹ. Nếu yêu cầu tăng giá vô lý thì chúng tôi sẽ không chấp thuận” - bà Huyền cho biết.

Chấm dứt tăng giá do tâm lý?

Điều mà các bà nội trợ ở Thủ đô dễ nhận thấy, đó là trong những lần tăng giá xăng dầu và tăng lương trước đây, ngay tức khắc giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các chợ cũng tăng lên, đù nguồn cung không hề khan hiếm. Giải thích về sự tăng giá này, các tiểu thương cho rằng do chi phí giá vận chuyển tăng, nên các đầu mối giao hàng đã yêu cầu tăng giá, buộc họ phải tăng giá bán.

Không khẳng định hay phủ nhận việc tăng giá xăng liệu có ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa, thực phẩm hay không, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá là do tâm lý của các tiểu thương. Tuy nhiên, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua đã không xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, khi các mặt hàng thực phẩm không những không tăng giá mà còn có xu hướng giảm.


Các siêu thị cho biết chưa nhận được yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp. Ảnh: M.N.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 mới đây của Bộ Công thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đợt tăng giá xăng vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến các mặt hàng thiết yếu do yếu tố tâm lý đã bị loại trừ. Cũng theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, những lần tăng giá thực phẩm trước đó thường là do yếu tố tâm lý tác động, vì thế mỗi lần tăng giá xăng là kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá.

Sự giải thích của đại diện Bộ Công thương có phần nào hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá cả các mặt hàng thực phẩm nói chung và các mặt hàng khác nói riêng, trong thời gian vừa qua không tăng giá là do nhu cầu tiêu dùng hạn chế, người dân vẫn phải tiết kiệm chi tiêu do kinh tế khó khăn. Điều này cũng giải thích vì sao hàng tồn kho vẫn chưa được cải thiện nhiều trong 6 tháng đầu năm 2013./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam