Kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ nhãn cho Đồng Tháp, Sóc Trăng trong bối cảnh dịch Covid-19

14:30 | 29/07/2021 Print
Để không bị bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm nhãn nói riêng, hướng đi của các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đồng Tháp

Điểm đầu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 29/7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021”, tại 3 điểm cầu chính là Hà Nội, Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Khoảng 36.000 tấn nhãn cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, thời gian gần đây trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường cả trong và ngoài nước chấp nhận. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Tính riêng tại huyện Châu Thành – địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh, đã có hơn 3.660 ha. Nhãn là cây có giá trị kinh tế cao, đặc thù, được trồng nhiều nhất ở vùng cồn xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Riêng huyện Châu Thành, từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 340 ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến vào khoảng 4.000 tấn.

Toàn tỉnh Đồng Tháp đang có 934 tổ hợp tác (THT), 180 hợp tác xã (HTX), cùng khoảng 110 hội quán nông dân đang phủ đều khắp các vùng sản xuất trong tỉnh. Đây là lực lượng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, có thể tổ chức thu hoạch và thu mua nông sản theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhãn là một trong các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Sóc Trăng được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và Vĩnh Châu. Diện tích trồng nhãn toàn tỉnh 3.130 ha, đang cho trái 2.536 ha. Thời gian thu hoạch từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn. Giá bán nhãn xuồng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhãn da bò 10.000 đồng/kg tùy thuộc theo giống và địa phương.

Tại hội nghị, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cho rằng, việc xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn và các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng là hoạt động kết nối, bàn giải pháp tiêu thụ quả nhãn và các loại nông, thủy sản của hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng. Qua đó, các bên liên quan càng cần có những giải pháp căn cơ hơn để đối phó với dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ cho biết, hướng đi của các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn. Nhờ đó, việc đưa sản phẩm ra quảng bá cho các khu vực dễ dàng và thuận lợi hơn. "Chúng tôi hy vọng các sản thương mại điện tử sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm nông sản không chỉ trong dịch bệnh mà còn thời gian sau này.” - bà Hậu nói.

Đồng tình với quan điểm của bà Vũ Thị Hậu, theo ông Đào Văn Hồ, để cụ thể hóa về việc kết nối chuỗi giá trị, ban tổ chức đã gửi công văn tới các địa phương có nhu cầu. Hiện sẽ có 3 biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Một là biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Lam Lâm (Sóc Trăng) với Công ty cổ phần xúc tiến thương mại Việt Nam. Hai là hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp với Công ty cổ phần xúc tiến thương mại Việt Nam. Ba là Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư Đồng Tháp với dự án hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản, khẳng định trước diễn biến khó lường về lưu thông, tiêu thụ, cần đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống qua siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản…vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử online, hạ tầng internet thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, fanpage...

Tại hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, hiện nay Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ NN&PTNT giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Tiki, shopee, Lazada, page book và hỗ trợ phát trực tiếp cho bà con để hỗ trợ hàng Việt Nam tiêu thụ nhanh hơn.

Ông Hoàng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ đào tạo để đưa cách phân phối này tới sâu hơn với bà con, sẽ có 2 hình thức kết nối tiêu thụ nông sản. Trước tiên là mua trực tiếp, giống như siêu thị nhập hàng của HTX. Cùng với đó, HTX đứng ra trực tiếp phân phối trên sàn thương mại điện tử. “Chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết và đào tạo cho bà con về cách đẩy và phân phối hàng trên các sàn giao thương mại điện tử đó.” - ông Hoàng nói.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam