Hàng hải vượt “sóng dữ” Covid-19

11:33 | 23/07/2021 Print
(TBTCVN) - Ngoài các giải pháp tự cứu mình trước cơn “sóng dữ” Covid-19 thì ngành hàng hải Việt Nam cũng có nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

gt

Từ đầu năm đến nay, sản lượng vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt hơn 14 triệu tấn.

Phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) Nguyễn Xuân Sang, từ đầu năm 2021 đến nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục HHVN đã bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kịp thời triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch

Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Cục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thông điệp 5K của Bộ Y tế bảo đảm không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực hàng hải, đặc biệt trên các phương tiện, tàu biển và tại cảng biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 qua việc khai báo điện tử bằng mã QR Code.

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, Cục HHVN đã triển khai các giải pháp và có những chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: triển khai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử để giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp; yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, công khai minh bạch giá cước theo quy định; khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (hoa tiêu, lai dắt) có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải biển trong mùa dịch Covid -19 thông qua việc giảm giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt áp dụng đối với tàu thuyền hoạt động tuyến nội địa trong phạm vi mức giá quy định; đề xuất sửa đổi các thông tư để giảm một số phí, lệ phí hàng hải cho doanh nghiệp.

Đến nay, đã có 7/12 công ty hoa tiêu là Hoa tiêu I, II, III, IV, VI, VII, hoa tiêu Tân Cảng đã đồng ý giảm giá 10% đối với tàu Việt Nam hoạt động nội địa, áp dụng bằng giá tối thiểu quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, thời gian áp dụng từ 1/8/2021 đến 31/12/2021. Còn các công ty lai dắt các khu vực: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quy Nhơn, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh cũng đồng ý giám giá dịch vụ lai dắt bằng giá tối thiểu quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT thời gian áp dụng từ năm 2020 đến nay, riêng khu vực Nghệ An thì bắt đầu từ 2021 đến nay. Còn các công ty lai dắt khu vực Đà Nẵng chỉ giảm giá 3 đến 15% tùy tuyến, thời gian từ 1/8/2021 đến 31/12/2021.

Ngoài ra, Cục HHVN cũng đã đề xuất Bộ GTVT về việc hướng dẫn thủ tục nhập cảnh, bố trí cách ly thuyền viên và ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao như một số đối tượng tuyến đầu trong ngành hàng hải, đặc biệt là những người phải làm việc trực tiếp trên tàu. Đến nay, các giải pháp và chính sách đặc thù đã bước đầu phát huy hiệu quả, chia sẻ bớt gánh nặng và khó khăn với người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội...

Hỗ trợ trong vận chuyển hàng hóa chống dịch

Còn tại doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực hàng hải là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại Việt Nam thời gian qua, VIMC đã ủng hộ 50 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19; tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ đối với các địa phương, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch (các doanh nghiệp thành viên của VIMC đã hỗ trợ các địa phương, với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, VIMC đã đăng ký cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí đối với tất cả hàng hóa, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch, các hàng hóa là vật tư, nhu yếu phẩm, thực phẩm của các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ đối với TP. Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội. Hàng hóa có nhu cầu vận chuyển sẽ được tập kết tại hệ thống các cảng biển của VIMC, vận chuyển bằng tàu biển đến các cảng biển tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí đối với toàn bộ hàng hóa, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch, các hàng hóa là vật tư, nhu yếu phẩm, thực phẩm của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ đối với các địa phương phía Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội.

Hàng hóa, trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm sẽ được thu gom, đóng gói (container) tại các cảng biển của VIMC (gồm các cảng: Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Cam Ranh), được vận chuyển bằng tàu biển và hệ thống xe vận tải của VIMC đến địa điểm nhận hàng tại Cảng Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh.

Sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 80 triệu tấn

Từ đầu năm đến nay, sản lượng vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt hơn 14 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 80 triệu tấn, doanh thu hợp nhất đạt hơn 6.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 1.000 tỷ đồng…

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam