Tháo gỡ rào cản thương mại, tạo đà cho xuất khẩu gỗ tăng trưởng

16:28 | 09/07/2021 Print
Bất chấp tác động do Covid-19, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường truyền thống. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm 2021 tăng cao.

gỗ

Nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng xuất khẩu kín cả năm 2021. Ảnh: Khánh Linh

Doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ, châu Âu

6 tháng đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu (XK) lâm sản đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu (EU), Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường XK lâm sản chính của Việt Nam.

Các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng XK. Do đó, các DN đã nhận được rất nhiều đơn hàng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU.

Là công ty chuyên XK gỗ, sản phẩm gỗ tới thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, đặc biệt là 2 thị trường truyền thống Mỹ và EU, bà Lê Thị Xuyến - Tổng Giám đốc Công ty chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương) cho biết, công ty đã có đơn hàng XK kín cả năm 2021, đang sản xuất với 130% công suất và sắp mở thêm nhà máy mới ở Bình Phước.

Ông Nguyễn Thanh Được - Giám đốc Công ty CP gỗ Dầu Tiếng cũng cho hay, năm 2020 dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của công ty, nhưng hiện nay nhà máy của công ty sản xuất tới đâu là XK đến đó và đơn hàng đã kín đến hết tháng 6 năm nay. Công ty cũng đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế khác.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thông lệ hàng năm, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào cuối năm để đáp ứng cho việc hoàn thiện thị trường nhà ở. Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn DN ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng XK, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU cho tới cuối năm 2021. Nhu cầu được dự kiến tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu vượt dịch và khởi sắc.

Trong cơ cấu thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ luôn là thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam. Theo các nhà phân phối Mỹ, khi Chính phủ Mỹ áp thuế lên nội thất Trung Quốc, các nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ đã tìm kiếm các nhà cung cấp mới và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Phần lớn nội thất cho phòng ngủ, nhà bếp và văn phòng đều nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, kim ngạch XK các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh tại Mỹ trong những năm gần đây.

Đặc biệt trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU cũng tăng mạnh, ước đạt 314 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo nửa cuối năm 2021, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh tới thị trường EU nhờ nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang phục hồi và Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa EU và Việt Nam đang dần thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn.

Tháo gỡ rào cản thương mại

Ông Nguyễn Quốc Trị – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, với đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, dự báo XK gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 sẽ đạt giá trị trên 15 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm ngành lâm nghiệp vẫn gặp khó khăn như rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động XK. Ví dụ, rủi ro thương mại khi Mỹ đang điều tra theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Mỹ và điều tra thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán; Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang có những điều tra liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế XK gỗ của Việt Nam. Ngoài ra, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, nhập khẩu nguyên phụ liệu phụ trợ phục vụ cho công tác chế biến hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, thời gian tới ngành lâm nghiệp tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, tạo đà cho xuất khẩu gỗ tăng trưởng cao trong năm 2021. Đối với thị trường Mỹ, Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung giải quyết truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm. Trong đó, các loại gỗ nhập khẩu theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp được tổng cục rà soát, đối chiếu giấy phép của nước XK, đồng thời công bố công khai minh bạch giấy phép đã được cấp để DN và các quốc gia XK gỗ nắm được…

Ngoài ra, để đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước minh bạch, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững; phối hợp chặt chẽ với Chương trình Xác nhận chứng nhận rừng (PEFC) quốc tế để đẩy nhanh việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC, được sử dụng nhãn hiệu của PEFC quốc tế…

Phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khuyến nghị các DN ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm; chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng cao giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới. Do đó, DN cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam