Bất động sản TP. Hồ Chí Minh ‘ảm đạm’ do ảnh hưởng dịch bệnh

10:06 | 15/06/2021 Print
Chuyên gia bất động sản cho biết tình hình giao dịch thứ cấp phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP. Hồ Chí Minh kém sôi động và tiếp tục có xu hướng giảm do tác động từ việc bùng phát dịch tại thành phố.

bds

Giao dịch thứ cấp phân khúc nhà phố, biệt thự TP.HCM kém sôi động. Ảnh: T.L

Nguồn cung sụt giảm

Theo số liệu thống kê của Công ty DKRA Vietnam vừa công bố, trong tháng 5/2021 thị trường TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) ghi nhận 3 dự án mở bán, bao gồm 2 dự án mới và 1 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường 75 căn, giảm 26% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 53% (khoảng 40 căn), giảm 49% so với tháng 4/2021.

Nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước, các dự án mới mở bán đa số là những dự án nhỏ với số lượng mở bán hạn chế, tập trung chủ yếu ở khu Bắc và khu Đông. Trong đó: Khu Bắc với 68 căn mở bán đến từ 2 dự án, chiếm 91% tổng nguồn cung mới, tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (khoảng 39 căn). Khu Đông với 1 dự án mở bán, chiếm 9% tổng nguồn cung mới (khoảng 7 căn), tỷ lệ tiêu thụ đạt 14%.

Theo đơn vị này, tình hình giao dịch thứ cấp phân khúc nhà phố, biệt thự TP.HCM kém sôi động và tiếp tục có xu hướng giảm do tác động từ việc bùng phát dịch tại TP.HCM.

Về tình hình chung nguồn cung sức cầu loại hình này tại TP.HCM và vùng phụ cận, DKRA Vietnam chỉ ra, trong tháng 5, toàn thị trường ghi nhận có 9 dự án mở bán (bao gồm 3 dự án mới và 6 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 1,263 căn, giảm 32% so với tháng trước (1,844 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (khoảng 308 căn), bằng 33% so với tháng 4/2021 (929 căn).

Trong khi TP.HCM có vẻ "ảm đạm" do dịch bệnh thì nhà phố, biệt thự vùng phụ cận lại có tín hiệu khả quan. Theo đơn vị này, trong tháng 5, Đồng Nai vẫn tiếp tục là khu vực chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung ở loại hình này. Đối với thị trường các tỉnh giáp ranh, những dự án nằm trong các khu đô thị lớn với quy mô hàng trăm hecta, được quy hoạch bài bản thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Lượng nhà phố, biệt thự được chào bán tại Đồng Nai trong quý đầu năm lên đến hơn 1.600 căn. Tại Long An, dù con số khiêm tốn hơn trong quý vừa rồi nhưng dự kiến sẽ có khoảng 700 - 800 sản phẩm phân khúc này được chào bán trong quý II năm nay.

Xu hướng "ly tâm" thực ra không chỉ diễn ra với phân khúc nhà phố, biệt thự mà còn ở các phân khúc BĐS khác nữa. Do lượng sản phẩm nhà phố, biệt thự chưa bán được tại TP.HCM vẫn còn nhiều và giá cao nên sản phẩm cùng phân khúc ở các địa phương lân cận ngày càng được chú ý hơn. Xét về giá, nếu thị trường TP.HCM có giá hơn 94 triệu đồng/m2 thì con số này tại vùng vệ tinh "cạnh tranh" hơn nhiều, quanh mốc 50 - 60 triệu đồng/m2.

Chung cư thu hút sự quan tâm

Trong khi đó, thống kê từ trang thông tin batdongsan.com.vn cho thấy tháng 5 vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng tới thị trường bất động sản khá nhiều, đặc biệt là phân khúc đất và đất nền. So với tháng 4, lượng người quan tâm đến đất giảm tới 19%, trong đó giảm mạnh nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).

Ngay tại Hà Nội, đất và đất nền vốn là loại hình bất động sản có lượt quan tâm hàng đầu, nay cũng quay đầu giảm tới 19% so với tháng 4. Loại hình mặt bằng kinh doanh, nhà phố cho thuê, lượt quan tâm giảm lần lượt 44% và 25%. Riêng TP.HCM, đất và đất nền không phải là thế mạnh nên lượng quan tâm giảm ít hơn, chỉ 6%.

Trong khi đó, loại hình căn hộ chung cư gây chú ý khi lội ngược dòng với mức tăng ấn tượng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, tại Hà Nội, căn hộ chung cư là loại hình được quan tâm nhất khi tăng đều ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân với mức tăng lần lượt là 16%, 14% và 11%. Giá rao bán chung cư gần như không có nhiều thay đổi.

Tại TP.HCM, căn hộ chung cư tiếp tục là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm và có mức giá tăng đều duy trì qua nhiều tháng. Trong tháng 5, giá căn hộ TP.HCM tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và lượt quan tâm tăng ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân so với 1 tháng trước đó.

Thực tế cho thấy thị trường bất động sản đang khá trầm lắng sau cơn sốt đất hồi đầu năm, nhiều điểm nóng trước đây không còn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Một số khu vực nóng vào hồi tháng 3 đã manh nha hiện tượng bán cắt lỗ vì mua vào với giá cao, vượt qua giá trị thật của khu vực. Cũng vì giá đất quá cao nên dù chủ đất chấp nhận giảm giá mạnh vẫn khó tìm được người mua ở thời điểm này.

Một số chuyên gia tài chính, bất động sản nhận định do đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại những tháng gần đây, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh nên dòng tiền giá rẻ có xu hướng tìm tới chứng khoán và bất động sản. Tuy vậy, không phải ai cũng am hiểu và chịu được rủi ro để tham gia đầu tư chứng khoán nên tiền chỉ còn cách chảy vào bất động sản mà cụ thể là nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư đã hoàn thiện. Bởi, đất và đất nền nhiều nơi đã lắng dịu nhưng chưa chịu giảm giá sâu, còn căn hộ mới ở TP.HCM lại đang khan hiếm nguồn cung.

Còn ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn bởi bất động sản thường khó rơi vào tình trạng giảm giá, bởi thường khi có khủng hoảng giá đất ở những khu vực có quy hoạch tốt, tiềm năng vẫn tăng ở mức giá nhất định chứ ít khi xuống.

Bên cạnh đó, quỹ đất ngày một hạn chế hơn, quy định để thực hiện dự án cũng khó khăn hơn, cho nên giá bất động sản luôn duy trì ở mức cao và có thể tăng giá đối với những khu vực phát triển mạnh về hạ tầng, quy hoạch. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt tăng trưởng tốt, đầu tư công tăng mạnh thì hoạt động kinh doanh bất động sản có lợi thế và tiềm năng sinh lời tốt. /.

Mai Tấn

Mai Tấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam