Hỗ trợ hơn 832 tỷ đồng cho chăn nuôi nông hộ

16:26 | 11/06/2021 Print
Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như hiện nay, đảm bảo an toàn dịch bệnh với dịch tả lợn châu Phi phải giải quyết đồng bộ về cơ chế chính sách hỗ trợ, áp dụng an toàn sinh học sẽ huy động được các nguồn lực vào phát triển chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

chăn nuôi

Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 11/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến "Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025".

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, chính sách đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như thay đổi thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng từ 5-10%.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn 218,474 tỷ đồng; hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho trâu, bò 258,543 tỷ đồng; hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm 25,132 tỷ đồng; hỗ trợ xử lý chất thải 159,692 tỷ đồng; hỗ trợ đệm lót sinh học 17,519 tỷ đồng;..

"Với nguồn kinh phí không lớn, nhưng chính sách đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cho an sinh xã hội và cải tạo, nâng cao năng suất đàn vật nuôi, đồng thời đã làm thay đổi nhận thức của người dân; cải tạo môi trường chăn nuôi để tạo ra chất đốt phục vụ cho chăn nuôi và sinh hoạt của người dân" - ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, chăn nuôi nông hộ chủ yếu tự phát theo nhu cầu của thị trường dẫn đến thiếu sự ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái đàn lợn do người chăn nuôi hạn chế phối giống.

Một số ý kiến cho rằng, với khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay cũng là nơi tập trung sản xuất gần một nửa sản lượng thực phẩm thì bài toán an toàn dịch bệnh và môi trường đang là vấn đề cấp bách. Từ hiệu quả mang lại của chính sách và thực tế sản xuất hiện nay, nhiều đại biểu ở các địa phương cho rằng, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Theo đó, chính sách cần cụ thể và có tính khả thi cao để khắc phục những khó khăn, tồn tại...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như hiện nay, đảm bảo an toàn dịch bệnh với dịch tả lợn châu Phi phải giải quyết đồng bộ về cơ chế chính sách hỗ trợ, áp dụng an toàn sinh học sẽ huy động được các nguồn lực vào phát triển chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

“Để giải quyết căn cơ vấn đề này, ngoài cơ chế chính sách thì phải có vaccine tiêm phòng. Cuối quý 3 năm nay sẽ công bố vaccine dịch tả lợn Châu Phi. Sau 5 đợt nghiên cứu, đánh giá vaccine đạt mức độ bảo hộ rất cao. Ngoài việc giải quyết an toàn sinh học bằng chế phẩm sinh học, vacine chúng ta cũng đã chọn tạo có sức đề kháng đối với dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, phải giải quyết đồng bộ cả cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân vào cuộc để có hệ sinh thái chuẩn bị cho bước phát triển trong giai đoạn mới” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói./.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam