Hà Nội chủ động các giải pháp phục hồi du lịch trước đại dịch Covid-19

09:52 | 10/06/2021 Print
Nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch, ngành Du lịch của Hà Nội đã chủ động các giải pháp phục hồi, quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”, duy trì tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.

du lịch

Du khách tham quan triển lãm tranh tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu -Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Linh

Thiệt hại nặng nề

Thủ đô Hà Nội là trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, cầu nối giữa du lịch các tỉnh vùng Bắc Bộ với du lịch cả nước, giữa du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Tính đến nay, Hà Nội có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có trên 1.182 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 20% so với cả nước.

Hà Nội còn là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc của miền Bắc, tạo ra sức hấp dẫn bền vững đối với du khách. Theo số liệu thống kê, toàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, có 47/52 nghề của toàn quốc.

Giai đoạn 2017-2021, nhiều sản phẩm du lịch của Thành phố đã được đưa vào khai thác và được sự đón nhận của đông đảo người dân Thủ đô và du khách như: không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian bích họa phố Phùng Hưng...

Tuy nhiên, “Bão” Covid-19 với 4 lần “càn quét” khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề. Năm 2020, số lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019 (đạt 8,65 triệu lượt khách). Từ cuối tháng 1/2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát 2 đợt khiến hoạt động du lịch Thủ đô tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, sụt giảm lượng khách, nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh, tài chính và lao động, giải quyết hủy, hoãn dịch vụ.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp lữ hành. 5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào khoảng 2,89 triệu lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sơ bộ thống kê trong thời điểm hiện nay, đã có 95% đại lý lữ hành dừng hoạt động; 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa phải rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp, đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người; doanh thu của dịch vụ vận chuyển khách du lịch ước giảm 90 - 98% so với cùng kỳ năm 2020.

Chủ động các giải pháp phục hồi, hoàn thành “nhiệm vụ kép”

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Thành phố và Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trong đó tăng cường kiểm tra các khách sạn sử dụng phục vụ công tác cách ly tập trung cho khách nhập cảnh và tổ bay; phối hợp với tỉnh, thành phố trong cả nước để nắm bắt thông tin các đoàn khách, phối hợp quản lý, phòng, chống bệnh dịch theo quy định. Cùng với đó, tổ chức kiếm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại một số điểm đến du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn phối hợp, chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch triển khai có hiệu quả việc đăng ký tự đánh giá an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 và kết nối với hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để giảm thiệt hại do dịch gây ra, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động kết nối giữa cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ô tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến... triển khai chương trình nâng cấp sản phẩm, điểm đến du lịch. Xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo, thu hút khách du lịch nội địa, đồng thời với triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch nội địa...

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp..., qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, ngành Du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách quảng bá thông tin và liên kết xúc tiến để lan tỏa hình ảnh du lịch Thủ đô đến với du khách. Hiện nay, Sở Du lịch đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử, trên kênh truyền hình quốc gia...

Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh, thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ tập trung nghiên cứu tham mưu xây dựng Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung thực hiện cơ cẩu lại toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai. Đồngt thời, xây dựng và đề xuất các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch phục hồi, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

Phạm Linh

Phạm Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam