Vải thiều Bắc Giang được đón nhận tại thị trường Nhật Bản

19:22 | 08/06/2021 Print
(TBTCVN) - Vụ vải 2021, các công ty Nhật Bản dự kiến nhập khẩu vải thiều Việt Nam lên gấp nhiều lần. Trong năm nay, ước có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này khẳng định, vải thiều Việt Nam đang ngày càng chiếm lĩnh các thị trường khó tính.

vai

Sản lượng vải thiều Bắc Giang năm 2021 ước đạt 180.000 tấn.

Vải thiều được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn thông tin, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19 song Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng; Lục Ngạn (vùng vải thiều lớn nhất của tỉnh) không có Covid-19. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm khoảng 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu và hình ảnh của hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản, trong đó có quả vải thiều.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu (2020), vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật (xếp thứ 3, sau Trung Quốc và Đài Loan). Do năm 2020 là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Tuy nhiên, do quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, các công ty của Nhật Bản dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo, Osaka và nhiều địa phương của Nhật Bản. Dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải

Theo ông Vũ Hồng Nam, quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể vào được Nhật Bản. Vải thiều Việt Nam đã được định vị là loại quả có giá trị cao.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhấn mạnh, để duy trì thương hiệu quả vải Việt Nam tại Nhật, điều quan trọng là duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định - đảm bảo sự ổn định của thị trường và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm quả vải Việt Nam tại thị trường Nhật.

Phía Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Các đầu mối phía Việt Nam có thể cân nhắc phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán tổ chức các sự kiện ăn thử vải tại các siêu thị, để giới thiệu trực tiếp quả vải đến người tiêu dùng Nhật Bản.

Cùng với việc xuất khẩu quả vải tươi, phía Nhật Bản cũng kiến nghị các nhà sản xuất, xuất khẩu vải cũng nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải như vải khô, nước ép vải, kem vải…để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần gia tăng giá trị, hình ảnh quả vải Việt Nam tại Nhật Bản.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cam kết phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai kênh phân phối thương mại điện tử; linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch...

Trước thực tế yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều bảo đảm các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường tiềm năng; hỗ trợ tỉnh giám sát toàn bộ quá trình thu hoạch, xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm khoảng 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam