Chung tay trợ giúp nông dân vững vàng trong “bão” dịch

16:19 | 07/06/2021 Print
(TBTCVN) - Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã và đang tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, trong đó, hoạt động xuất - nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là nông sản bị ảnh hưởng nặng nề.

nong

Hầu hết các địa phương trong cả nước, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giải cứu nông sản của vùng dịch được triển khai rầm rộ

Đây cũng là lúc tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam tiếp tục được nêu cao, cả nước chung tay hỗ trợ để người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp vững vàng trong đại dịch, khai thác tối đa thị trường tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

“Khơi thông” dòng chảy cho nông sản

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thời gian qua, các bộ, ngành đã chủ động nhập cuộc nhanh chóng. Đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản cho người dân và doanh nghiệp ở các địa phương có dịch, đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - dựa vào nội lực để giúp người nông dân, doanh nghiệp vượt qua “bão” dịch.

Đơn cử, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương có dịch xây dựng phương án tiêu thụ hoa quả đến chính vụ thu hoạch cũng như các mặt hàng nông sản. Trong đó đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả như đổi mới hình thức xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; thực hiện mô hình vừa xúc tiến vừa tiêu thụ trực tiếp, trực tuyến và truyền thống. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc đổi mới phương pháp đóng gói theo quy chuẩn, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc phù hợp từng thị trường, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch…

Cùng với đó, các đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các địa phương bùng phát dịch bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong nước, nhằm giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tối ưu để hỗ trợ các địa phương trong công tác vận tải đảm bảo lưu thông hàng hoá, nhất là nông sản. Trong đó đã đề nghị các doanh nghiệp vận tải, các đơn vị liên quan tham gia hỗ trợ vận chuyển nông sản tại các địa phương đang khó khăn về việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan y tế và các địa phương đề nghị hỗ trợ vận chuyển để thực hiện hiệu quả quy trình vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, kê khai y tế và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp vận tải phải lập danh sách hành khách phục vụ cho việc hỗ trợ các cơ quan chức năng khi có yêu cầu truy vết xảy ra…

Ngoài ra, thực hiện yêu cầu đảm bảo lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ lớn cũng chung tay hỗ trợ địa phương có dịch. Được biết, đến thời điểm hiện tại, các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MMMegaMarket… đều đã và đang thực hiện thu mua nông sản từ “vùng dịch” với số lượng lớn, đều đặn, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong bối cảnh người nông dân đang vào mùa thu hoạch.

Địa phương sáng tạo, chủ động giúp nông dân

Là một trong những tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch bùng phát, tỉnh Bắc Giang cho biết việc tiêu thụ, vận chuyển nông sản từ địa phương này đến các địa phương khác gặp nhiều khó khăn. Do đó, Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương giúp đỡ thủ tục để việc thông thương hàng hóa qua cửa khẩu thuận lợi, nhanh chóng; hỗ trợ tỉnh kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tiêu thụ nông sản Bắc Giang.

Đáng chú ý trước đó, ngay khi dịch bệnh bùng phát, dự báo tính hình “đầu ra” cho nông sản khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với nhiều kịch bản. Trong đó, tăng cường hoạt động quảng bá và các chương trình kết nối cung cầu vải thiều tại thị trường trong nước. Đặc biệt là tổ chức bán hàng trực tuyến, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử…

Dưới sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, tỉnh Bắc Giang đã kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại nhiều kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố; tuyên truyền, quảng bá về các nông sản của Bắc Giang để các doanh nghiệp, tư thương, người dân được biết, tin tưởng sử dụng.

Bên cạnh đó tại Hải Dương, trước những nghi ngại về vấn đề dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới hàng hoá, nông sản, tỉnh này đã có giải pháp từ khâu sản xuất tới thu hoạch, vận chuyển rất chuyên nghiệp, chặt chẽ. Theo đó, quy trình thu hoạch, vận chuyển nông sản được quán triệt tới các địa phương của tỉnh, vừa thực hiện cách ly đúng quy định vừa hỗ trợ thu hoạch nông sản.

Tại hầu hết các địa phương trong cả nước, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giải cứu nông sản của vùng dịch được triển khai rầm rộ. Điển hình, tại Hà Nội, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, lưu thông hàng hóa thuận lợi trên địa bàn thành phố.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện các hệ thống phân phối vẫn đang nỗ lực hỗ trợ các địa phương có dịch tiêu thụ nông sản. Đồng thời, vận động, đề nghị các cơ quan, công sở, đoàn hội và người dân Thủ đô mua hàng ủng hộ cho bà con vùng dịch.

Tại Đà Nẵng, những ngày này, người dân nơi đây cũng đang tích cực chung tay tiêu thụ vải thiều Bắc Giang cũng như nông sản, nhằm giúp giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân trong đại dịch. Được biết, Hội Nông dân TP. Đà Nẵng mới đây đã phát động chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đạt hiệu quả cao…

Chung tay trợ giúp nông sản tại vùng có dịch

Tại hầu hết các địa phương trong cả nước, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trợ giúp tiêu thụ nông sản của vùng dịch được triển khai rầm rộ. Điển hình, tại Hà Nội, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, lưu thông hàng hóa thuận lợi trên địa bàn thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện các hệ thống phân phối vẫn đang nỗ lực hỗ trợ các địa phương có dịch tiêu thụ nông sản. Đồng thời, vận động, đề nghị các cơ quan, công sở, đoàn hội và người dân Thủ đô mua hàng ủng hộ cho bà con vùng dịch.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam