Vẫn còn nhiều yếu tố giảm áp lực lạm phát trong tháng 6

11:04 | 07/06/2021 Print
(TBTCVN) - Trong tháng 6/2021, có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát, như: giá lương thực, thực phẩm ổn định; việc chủ động vào cuộc trong quản lý, điều hành giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động bất thường.

Vẫn còn nhiều yếu tố giảm áp lực lạm phát trong tháng 6

Thời tiết thuận lợi nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây có thể sẽ giảm nhẹ. Ảnh: Trần Thắng

Vẫn lo ngại giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng

Hiện nay, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 đạt khoảng 60 USD/thùng, tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020. Các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên. Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

Mặt hàng xăng dầu trong tháng qua tăng đã tác động lên CPI tháng 5/2021. Theo đó, CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI bật tăng là do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng “phi mã” ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá vật liệu xây dựng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng... Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong tháng 6 này.

Đáng lo ngại trong diễn biến mới nhất, giá dầu thế giới đang tăng mạnh, giá dầu Brent gần chạm ngưỡng 70 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng hơn 1,5% giao dịch ngưỡng 67,4 USD/thùng, dầu Brent tăng gần 1%, lên 69,9 USD/thùng. Giá dầu Brent thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức cao nhất trong hai năm.

Giá xăng dầu trong nước, ở kỳ điều hành gần đây (27/5), sau hai kỳ tăng giá liên tiếp, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được giữ nguyên. Liên Bộ không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với một số loại xăng dầu. Chi sử dụng quỹ xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.782 đồng/lít. Những diễn biến giá dầu thế giới tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước thời gian tới.

Bên cạnh những hàng hóa thiết yếu, theo dự báo, trong những tháng cao điểm của mùa hè, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ uống tăng có thể làm chỉ số giá nhóm này tăng so với tháng trước; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng... là những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong tháng 6 này.

Kinh tế phục hồi sẽ tạo áp lực lên lạm phát

Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới, như: thời tiết thuận lợi nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây có thể sẽ giảm nhẹ; giá các dịch vụ bưu chính cơ bản giữ ổn định, không tăng giá hoặc giảm nhẹ. Ngoài ra, việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng này.

Đáng chú ý, dự báo một số mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng này tiếp tục có xu hướng giảm. Giá lợn hơi xuất chuồng ở các địa phương giảm tương đối mạnh, từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị vẫn ở mức cao, một số nơi có giảm nhưng không đáng kể phổ biến ở mức từ 116.000 - 155.000 đồng/kg. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, giá thịt lợn trên thị trường sẽ giảm do nguồn cung đã dồi dào, dịch bệnh được kiểm soát.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Giá lúa gạo trong nước, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung vẫn giữ ổn định; mặt hàng cà phê vẫn tiếp tục giảm… Cùng với đó, do vào mùa, nên giá nhiều loại trái cây giảm. Dự kiến, giá nhiều loại trái cây sẽ còn giảm trong thời gian tới do nông dân mở rộng diện tích trồng; tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đã dự báo CPI sẽ tăng dần vào cuối năm, là do các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới.

Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021. Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam