Hiểm họa khôn lường từ găng tay cũ nhập lậu Trung Quốc

23:35 | 19/05/2021 Print
Trong thời gian qua, giữa bối cảnh dịch bệnh gia tăng, nhu cầu sử dụng thiết bị y tế phòng dịch cao, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc sản xuất, nhập lậu lượng găng tay "khủng" từ Trung Quốc.

gang tay

Kinh hoàng 15 tấn găng tay bẩn nhập lậu từ Trung Quốc mới bị phát hiện. Ảnh: TL

Liên tục phát hiện nhiều vụ việc "khủng"

Mới đây nhất, chiều 17/5, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm tra một container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Khai báo trên tờ khai hải quan, hàng hoá gồm gần 15 tấn găng tay gia dụng bằng cao su, sử dụng trong gia đình, không phải găng tay y tế, hàng không nhãn hiệu, mới 100%, nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện toàn bộ găng tay chứa trong container là hàng để rời, nhàu nát, dính đầy bụi bẩn, mốc hoen ố, không nhãn hiệu, được đóng trong hàng trăm bao tải dứa, không nhãn mác. Hiện vụ việc đang được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện giám định, tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.

Trước đó, ngày 13/5/2021, Cục Quản lý thị trường Hưng Yên phối hợp với Công an tỉnh Hưng Yên khi tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH đầu tư và phát triển công nghệ GSE phát hiện công ty đang thực hiện gia công theo hợp đồng mặt hàng găng tay y tế. Cụ thể là hơn 1 tấn găng tay cao su chứa đựng trong các bao tải dứa không có nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã lật tẩy “chiêu thức” của một doanh nghiệp khai báo hải quan là nhập gần 6 tấn găng tay mới 100% để phục vụ công nhân trong các nhà máy nhưng thực tế kiểm tra lại là nhập găng tay đã qua sử dụng có xuất xứ Trung Quốc.

Vào cuối năm 2020, liên quan đường dây nghi vấn tuồn găng tay y tế cũ vào Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng phát hiện gần 42 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng.

Tại Hà Nội, ngày 15/5, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã phát hiện một kho hàng chứa gần 3 tấn găng tay y tế xuất xứ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, tổng giá trị kho găng tay y tế này là hơn 1 tỷ đồng.

Nỗ lực ngăn chặn hiệu quả găng tay "bẩn"

Đánh giá về vấn đề này, đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, vi phạm sản xuất, mua bán găng tay giả, nhất là găng tay đã qua sử dụng đã diễn ra khá phổ biến, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các cơ quan chức năng đã khởi tố không ít vụ án, nhưng vì lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn bất chấp gian lận và lợi dụng sơ hở trong chính sách pháp luật để tìm mọi cách đưa găng tay đã qua sử dụng từ nước ngoài vào trong nước.

Thực tế cho thấy, đa số các vụ việc lực lượng hải quan và quản lý thị trường phát hiện đều có chung một đặc điểm đối tượng vi phạm sử dụng chiêu trò khai báo gian dối là hàng găng tay cao su dùng cho nhà bếp, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc… Có thể thấy, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay, việc nhập khẩu lô găng tay cao su đã qua sử dụng sẽ rất nguy hiểm, gây ra nhiều hiểm họa khó lường bởi đây là dụng cụ phòng chống dịch, nên rất dễ là nguồn lây lan bệnh tật vào trong nước nêu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Trao đổi với phóng viên TBTCO, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 đang rất cam go khi rất nhiều địa phương ghi nhận các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, khi nhu cầu về thiết bị y tế phòng dịch tang cao cũng là lúc các đối tượng vi phạm gia tăng hành vi sản xuất, buôn bán, nhập lậu hàng hóa phòng dịch kém chất lượng, thậm chí là hàng "bẩn", gây ra những hiểm họa khôn lường đối với nước ta.

"Do đó, để đảm bảo chất lượng, bình ổn giá các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý, thanh kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi như lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá trên thị trường để mua gom, tích chữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, ép giá bất hợp lý, hoặc sản xuất, kinh doanh hàng kém chat lượng...đối với các hàng hoá là trang thiết bị y tế như khẩu trang, các loại nước rửa tay, nước sát khuẩn…" - ông Linh nhấn mạnh./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam