Lấy doanh nghiệp là trung tâm, giúp nền kinh tế phục hồi như mong đợi

15:45 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Thời gian tới, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, trên cơ sở đó cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Chỉ có như vậy mới giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi như mong đợi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

PV: Năm 2020 thế giới phải đối mặt với một đại dịch chưa có trong tiền lệ, đó là dịch Covid-19. Đến nay nhìn lại, ông đánh giá như thế nào về một Việt Nam kiên cường vượt qua đại dịch, đặc biệt là cả nước cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn?

Ông Đỗ Văn Sinh
Ông Đỗ Văn Sinh

Ông Đỗ Văn Sinh: Đến thời điểm này nhìn lại phải khẳng định, Việt Nam đã tỏa sáng trong một năm đặc biệt. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91% là một thành tích đáng ghi nhận.

Đáng chú ý, trong bối cảnh rất khó khăn đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Việt Nam đã xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam với 28,5 tỷ USD. Tôi cho rằng đây là một thành tích đáng khích lệ.

Một điểm sáng đáng ghi nhận nữa là năm 2020, cả nước có gần 135 nghìn DN đăng ký thành lập, tuy có giảm về số lượng nhưng tăng về vốn đăng ký so với năm trước. Cho dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có đến hơn 44 nghìn DN quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, trong năm có đến hơn 100 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tính ra trung bình mỗi tháng có khoảng 8.500 DN rút lui khỏi thị trường, có nghĩa DN gặp rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP; Nghị quyết số 84/NQ-CP… Các chính sách gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và hỗ trợ tín dụng đã giúp các DN, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy DN khởi nghiệp. Việc đưa ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ DN cũng là một trong những trọng tâm cần thực hiện để giúp nền kinh tế phục hồi như mong đợi.

PV: Như ông vừa chia sẻ, các giải pháp phù hợp hỗ trợ DN sẽ giúp kinh tế phục hồi. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước ngay lập tức đã áp dụng chính sách hỗ trợ người dân và DN. Ông đánh giá như thế nào về khả năng Việt Nam nghiên cứu, áp dụng một số chính sách mà các nước đã thực hiện?

Ông Đỗ Văn Sinh: Đúng là trước tác động của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế tổn thất cho nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và DN vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mỗi quốc gia có ứng phó khác nhau.

Tôi được biết, đối với chính sách tài khóa, hầu hết các quốc gia đều dành lượng ngân sách đáng kể hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động, hộ gia đình, sinh viên. Đối với DN, miễn, giảm thuế, hoãn thanh toán nợ gốc, lãi ngân hàng, giảm lãi suất cho vay, mua trái phiếu DN. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương các quốc gia đều đồng loạt thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ định lượng thông qua tăng thanh khoản cho ngân hàng thương mại bằng cắt giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chúng ta đã ban hành một loạt giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân, DN, như: hỗ trợ 250 nghìn đồng/người/tháng cho các hộ nghèo và cận nghèo; tăng 500 nghìn đồng/người/tháng so với mức trợ cấp hàng tháng cho những người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng cho người lao động phải nghỉ không lương do dịch Covid-19. Ngoài ra, thực hiện: chi 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động thất nghiệp không được chi trả bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tự doanh; 1 triệu đồng/hộ/tháng cho các hộ kinh doanh có doanh thu chịu thuế dưới 100 triệu đồng/tháng phải tạm ngừng kinh doanh trong kỳ giãn cách xã hội. Ước tính hơn 10% dân số hưởng lợi từ chương trình này. Chính phủ thực hiện giảm giá điện tối đa 10% trong 3 tháng hỗ trợ DN và hộ gia đình ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn...

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Infographic: TL
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Infographic: TL

Nói như vậy để thấy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã sớm chủ động và linh hoạt thực hiện chính sách vĩ mô hỗ trợ người dân và DN. Theo tôi, không có một mẫu số chung cho các quốc gia khi thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Với Việt Nam, chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”, nhưng tin rằng, với những chính sách đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn của đại dịch, tăng trưởng kinh tế đạt như kỳ vọng.

PV: Con đường phía trước tươi sáng hơn nhưng vẫn còn mong manh và nhiều thách thức. Chúng ta cần làm gì để thúc đẩy các ngành kinh tế bị tác động lớn bởi đại dịch, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Sinh: Theo thống kê có đến 90% DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó bị ảnh hưởng lớn nhất là DN nhỏ và vừa mới thành lập khoảng 3 năm.

Trong các ngành chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khu vực dịch vụ là nơi phản ánh rõ nét nhất các ảnh hưởng từ đại dịch và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi do yếu tố tâm lý và thay đổi hành vi tiêu dùng. Các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không) có mức sụt giảm mạnh nhất, chủ yếu do việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh.

Dù chúng ta đã triển khai một loạt giải pháp và hiện đang tiếp tục đề xuất thực hiện trong năm 2021, thì vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ DN. Thông tin từ VCCI cho thấy, trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, DN được khảo sát cho biết chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, trong khi chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khó tiếp cận nhất. Do đó, đa số DN mong muốn Chính phủ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN, giãn thuế, gia hạn nộp thuế...

Tôi cho rằng, thời gian tới, cần điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí; linh hoạt thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Cùng với đó, ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch như du lịch, hàng không...

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam