Tìm cách ứng phó với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

18:41 | 26/04/2021 Print
Để góp phần kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để có kế hoạch mua nguyên liệu và có kế hoạch điều chỉnh biến động tăng giá...

chăn nuôi

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Sáng ngày 26/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị "Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 30 - 35%

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, suốt thời gian vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành gia cầm, trong khi đó giá trứng, thịt lại đều đang giảm khiến người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cơ xa hơn là việc giảm quy mô đàn do không đủ khả năng duy trì sẽ khiến nguồn cung vào quý II, quý III năm 2021 bị giảm.

Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi trong nước từ năm 2015 đến quý III/2020 nhìn chung ổn định, thậm chí có lúc còn giảm. Tuy nhiên, giá các loại nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10/2020 và tăng cao cho đến nay. Mức tăng trung bình từ 30 - 35%.

Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích, nguyên nhân dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao, thiết lập ở mặt bằng giá mới. Đơn cử như giá ngô hạt, đậu tương, khô dầu chào hàng ngày 23/4 tại cảng Chiago ở mức 249 - 258 USD/tấn; 557 - 565,5 USD/tấn và 465,7 - 469,5 USD/tấn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hoá. Trung bình chi phí vận chuyển đã tăng từ 200 - 300% so với bình thường

“Để vượt qua giai đoạn này, tôi cho rằng các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi nên chia sẻ cùng với người dân, hạn chế tăng giá trong thời gian này. Trong khi đó, người chăn nuôi thì cố gắng duy trì quy mô và tăng đàn để phục vụ nhu cầu vào các quý cuối năm” - ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

Mục tiêu kế hoạch ngành chăn nuôi trong năm 2021: Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 3,87 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 14,7 tỷ quả; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt khoảng 565,5 nghìn tấn, sản lượng sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn.

Doanh nghiệp cần có kế hoạch mua nguyên liệu, điều chỉnh biến động tăng giá

Để góp phần kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi. Cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm.

Đồng thời, chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Cùng với đó, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận: "Ngành chăn nuôi đã bao nhiêu năm rồi, cơ bản vẫn thế, nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Tình trạng sản xuất mất cân đối so với nhu cầu thị trường, giá bán sản phẩm luôn mất ổn định...".

Do vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để có kế hoạch mua nguyên liệu và có kế hoạch điều chỉnh biến động tăng giá, thời gian tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải phù hợp tình hình thực tế và điều kiện sản xuất của người chăn nuôi, không gây xáo trộn sản xuất ngành chăn nuôi nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia cầm...

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như Mỹ, Achentina... có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng và ngoại hối ưu đãi cho các doanh nghiệp vay, mua trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong năm 2021.../.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam