Cam go cuộc chiến chống gian lận xuất xứ

13:09 | 20/04/2021 Print
Xuất khẩu càng phát triển thì gian lận xuất xứ càng gia tăng, gây tổn hại đến doanh nghiệp sản xuất cũng như toàn bộ nền kinh tế. Bối cảnh đó đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy lùi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

made viet nam

May mặc là một trong những mặt hàng bị giả mạo xuất xứ Việt Nam khá phổ biến. Ảnh: T. Uyên

Gian lận xuất xứ ngày càng “nóng”

Theo các chuyên gia kinh tế, với hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết thời gian qua, hàng hóa Việt xuất khẩu đến các thị trường đối tác tiềm năng có rất nhiều lợi thế về thuế quan so với các đối thủ - đây cũng chính là "môi trường" lý tưởng cho hàng hóa các nước khác “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. Thực tế cho thấy, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng nóng bỏng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trong việc xuất khẩu và thiệt hại đối với nền kinh tế.

Bộ Công thương cho biết, trong quá trình kiểm tra, các đơn vị đã phát hiện một số hành vi sai phạm như tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung C/O, điển hình như mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc; hay làm giả C/O, điển hình là mặt hàng túi nhựa PP xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt các vụ việc vi phạm xuất xứ, sản phẩm nhập khẩu được gia công đơn giản để lấy nhãn xuất xứ Việt Nam rồi xuất ngược đi các nước nhằm hưởng thuế ưu đãi. Trong đó, thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa gia tang nhanh và ngày càng phức tạp.

"Điều đáng nói, đa số mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ cao đều là hàng xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn của nước ta. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu mà các hành vi gian lận xuất xứ nhằm vào là những thị trường lớn, là đối tác tiềm năng của nước ta như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc..." - ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, các nhóm mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị giải mạo xuất xứ bao gồm nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ; nhóm thiết bị: thiết bị thể thao; thiết bị nội thất; nhóm mặt hàng thép: khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, ống đồng; nhóm mặt hàng điện tử...

Ngoài ra, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hiện có hai hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa phổ biến là giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ và giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Theo đó, lực lượng hải quan phát hiện rất nhiều hàng hóa nhập khẩu đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc nhập khẩu về rồi thay thế bằng “Made in Vietnam”, hay bổ sung nhãn phụ…

Các đối tượng cũng dùng đủ mọi thủ đoạn để hợp thức hóa hồ sơ nhằm xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.

Các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro và nghi vấn gian lận xuất xứ cao.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã “lật tẩy” được một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Đó là hành vi doanh nghiệp giả mạo được thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ để thực hiện cấp C/O cho hàng hóa không đủ tiêu chuẩn "xuất xứ Việt Nam". Cụ thể, Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận C/O nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của VCCI để thực hiện cho nhiều doanh nghiệp. Điều tra cho thấy, tổng số 33 doanh nghiệp mà công ty trên cấp C/O đều là những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện từ ngước ngoài về gia công, lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn "xuất xứ Việt Nam".

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cao; rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra.

Đồng thời, ngành Công thương sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn. Đặc biệt, các cơ quan này sẽ thường xuyên phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu tiến hành kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất cũng như kiểm tra, xác minh hồ sơ giấy.

Song song với đó, các bộ ngành liên quan đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ và tập huấn, hướng dẫn kịp thời về C/O cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe; tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí xuất xứ chặt (xuất xứ thuần túy) hoặc các mặt hàng nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam