Viglacera với định hướng trở thành tập đoàn kinh tế mạnh

16:46 | 27/04/2021 Print
Ngày 27/4, Viglacera (HOSE: VGC) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và kế hoạch 2021; thông qua kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; bầu bổ sung, thay thế thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

vi

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 của Viglacera. Ảnh VGC

Năm 2020 là một năm khủng hoảng của toàn nền kinh tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 toàn cầu, trong thời điểm khó khăn đó, Tổng công ty Viglacera đã vững vàng vượt qua và chứng minh sức mạnh nội tại của mình bằng những kết quả đáng ghi nhận.

Lợi nhuận toàn tổng công ty đạt 841 tỷ đồng, tăng 12% kế hoạch, trong đó ghi nhận lợi nhuận công ty mẹ đạt 736 tỷ đồng, tăng 23% kế hoạch. Doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty đạt 9.433 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch. Các chi tiêu khác cũng cơ bản bám sát kế hoạch do ĐHĐCĐ giao. Năm 2020, Viglacera sẽ chia cổ tức tỷ lệ 11%.

Tại phiên họp, cổ đông đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế công ty mẹ và hợp nhất lần lượt 750 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, cao hơn 2% và 19% so với năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2020. Công ty dự kiến trình cổ đông chia cổ tức 2021 tỷ lệ 12%. Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư hướng đến 2 lĩnh vực chính là bất động sản và vật liệu xây dựng.

Với mảng bất động sản, tổng công ty tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu công nghiệp, tăng cường phát triển quỹ đất, phát triển đồng bộ hạ tầng, tiện ích và phát triển các dịch vụ phụ trợ, nâng đẳng cấp và thương hiệu các khu công nghiệp của Viglacera, khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất.

Viglacera cũng hướng tới lựa chọn khách hàng là các nhà đầu tư, các nhà sản xuất thân thiện với môi trường, vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ tiếp tục phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng.

Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera đầu tư vào chiều sâu, tăng cường công nghệ quản trị, hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao, tính thẩm mỹ, giá trị gia tăng của sản phẩm và thân thiện môi trường; phát triển các bộ sản phẩm mới, phù họp với xu hướng và thị hiếu khách hàng, cập nhật những công nghệ tiên tiến mới đưa vào sản xuất. Đối với các đơn vị kém hiệu quả tại nhóm gạch đất sét nung, tổng công ty sẽ chủ động thoái vốn

Năm 2021, Viglacera sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tái cơ cấu trong quản trị điều hành từ công ty mẹ tới các đơn vị trực thuộc để chủ động vượt qua các khó khăn thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn 2021 - 2025, Viglacera định hướng xây dựng trở thành tập đoàn kinh tế mạnh ở cả hai lĩnh vực vật liệu xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản, giữ vững Viglacera là thương hiệu mạnh quốc gia và vươn tầm thương hiệu quốc tế.

Lợi nhuận trước thuế Viglacera hợp nhất đặt mục tiêu tăng trưởng 13%/năm và riêng công ty mẹ là 9%/năm. Doanh thu hợp nhất dự kiến tăng bình quân 11%/năm và 10% với riêng công ty mẹ. Đồng thời, công ty hướng tới tổng giá trị xuất khẩu đạt 240 triệu USD, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Để hiện thực hóa được kế hoạch trên, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư trong 5 năm tới, với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng với toàn tổng công ty, trong đó riêng công ty mẹ là 13.300 tỷ đồng.

Tổng công ty cũng lên kế hoạch để cổ đông nhà nước thoái toàn bộ cổ phần, đồng thời tiếp tục bán vốn góp tại các công ty thành viên hoạt động không hiệu quả, tăng vốn điều lệ của tổng công ty vào một số đơn vị để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo chiến lược phát triển.

Tổng công ty cũng thành lập mới các công ty TNHH quản lý phần vốn của tổng công ty theo từng nhóm lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty cổ phần để triển khai các dự án mới.

Về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại VGC, đại diện Bộ Xây dựng cho biết nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì công tác thoái vốn đã hoàn tất trong năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên công tác này đang chậm lại. Mặc dù vậy, Chính phủ đã cơ bản chấp thuận việc Nhà nước sẽ không còn nắm giữ vốn tại VGC và việc thoái vốn này có thể diễn ra vào năm 2022.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam