Ráo riết vào cuộc chống buôn lậu, gian lận xăng dầu

16:52 | 12/03/2021 Print
Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu gia tăng, lực lượng chức năng và địa phương đang ráo riết vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp mạnh để siết chặt quản lý, đẩy lùi vấn nạn này.

xang dau

Cơ quan quản lý thực hiện nhiều giải pháp siết chặt kiểm tra kinh doanh xăng dầu. Ảnh: T.Uyên

Trong 1 năm tịch thu gần 79.000 lít xăng dầu các loại

Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã tiến hành kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng dầu, xử lý 1.291 vụ. Qua đó xử phạt gần 14 tỷ đồng, tịch thu, tạm giữ gần 79.000 lít xăng dầu các loại với trị giá hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng.

Theo Tổng cục QLTT, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phổ biến như vi phạm tác động để làm sai lệch kết quả đo, không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu; bán xăng dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực; bán xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm…nhằm lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính.

Vụ việc điển hình như cuối tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất xăng giả “khủng” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện tổng cộng khoảng 72.117 lít chất lỏng nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tính hợp pháp của hàng hóa.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2020 lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng đã phát hiện và bắt giữ gần 2,8 triệu lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Trong đó, "chủ công" là Cảnh sát biển với gần 2,3 triệu lít. Tàu chở dầu có khi là tàu của các tỉnh ven biển ở Việt Nam, tàu quốc tịch nước ngoài, thậm chí có cả tàu quốc tịch Mông Cổ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ, trong vài năm trở lại đây, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến khá phức tạp. Trong năm 2020, trong qua trình triển khai kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng trọng điểm, trong đó có xăng dầu, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều vụ việc có quy mô lớn, lật tẩy được nhiều chiêu trò tinh vi …

Trong đó, chủ yếu là các hành vi pha trộn, tiêu thụ xăng, dầu giả, kém chất lượng, điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy phép, mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống...xảy ra trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…Bên cạnh đó, thời gian gần đây phát hiện tình trạng găm hàng không bán. Có thời gian cao điểm, lực lượng QLTT đã liên tục kiểm tra và phát hiện rất nhiều các cây xăng nghi găm hàng, chờ tăng giá.

Đánh giá về vấn đề này, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian qua, buôn lậu xăng dầu cũng là vấn đề rất nóng. Đặc biệt là trên tuyến biển, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song buôn lậu xăng dầu trên tuyến này vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên là khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và tại vùng biển Tây Nam. Dự báo năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn đa dạng, hoạt động tinh vi trên nền thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng các công nghệ cao vào hoạt động này ngày càng có tính chuyên nghiệp…

Ráo riết vào cuộc đẩy lùi buôn lậu, gian lận xăng dầu

Trước thực trạng đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu, tránh chồng chéo, trùng lặp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu.

Thực hiện chỉ đạo trên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng như: Quản lý thị trường; Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Hải quan; Thuế; Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; An ninh Kinh tế và chính quyền địa phương các cấp thực hiện ngay một số nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên đề về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng nhạy cảm này.

Thực tế cho thấy, các địa phương đã nhanh chóng, chủ động vào cuộc thực hiện chỉ đạo. Điển hình, BCĐ 389 TP Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng chức năng có liên quan chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân làm tổng đại lý, đại lý bán lẻ và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhận định tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu đang có những diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng vẫn tiếp tục xảy ra trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm, BCĐ 389 TP Hải Phòng cũng đã đề nghị các ngành thành viên chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh như: các địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, giai đoạn phân phối lưu thông, các địa điểm tồn trữ các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu...

Tại UBND TP.Hồ Chí Minh cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xăng dầu về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện kịp thời đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, đấu tranh với các đối tượng chuyên điều hành hoạt động pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng. Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu giả, xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng...

Đối với lực lượng QLTT, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho hay, trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa; vận động các đơn vị kinh doanh ký cam kết không kinh doanh xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và gian lận đo lường để người kinh doanh, DN chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để hạn chế mức thấp nhất các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam