TP. Hồ Chí Minh: Vốn doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp hai lần

15:08 | 11/03/2021 Print
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong hai tháng đầu năm nay, đã có 3.657 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới trên toàn địa bàn, với tổng vốn đăng ký đạt 120.066 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước.

tphcm

TP. Hồ Chí Minh cấp phép thành lập mới cho 235 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đăng ký gần 21 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Đỗ Doãn

Nếu xét về loại hình, có 3.156 công ty TNHH với tổng vốn đăng ký 77.784 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần (so với cùng kỳ năm trước); 470 công ty cổ phần với vốn đăng ký 42.249 tỷ đồng, tăng 97%; 30 doanh nghiệp (DN) tư nhân với vốn đăng ký 33 tỷ đồng, tăng 36,4% về số giấy phép và gấp hai lần về số vốn.

Còn nếu phân theo khu vực thì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 23 DN được cấp phép, tăng 35,3%, với vốn đăng ký 547 tỷ đồng, tăng 148,7%. Khu vực công nghiệp, xây dựng có 703 DN được cấp phép với vốn đăng ký 60.979 tỷ đồng, tăng 402,2%. Trong đó, ngành xây dựng có 304 DN, vốn đăng ký 7.812 tỷ đồng, giảm 17,9%; nhóm ngành công nghiệp có 399 DN với vốn đăng ký 53.167 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với tháng 1/2021.

Khu vực thương mại, dịch vụ có 2.931 DN thành lập mới với vốn đăng ký 58.540 tỷ đồng, tăng 45,8%. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có 235 DN với vốn đăng ký 20.978 tỷ đồng, tăng 5,7%; thương nghiệp có 1.345 DN với vốn đăng ký 19.308 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần; vận tải có 130 dự án với vốn đăng ký 6.621 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 418 DN với vốn đăng ký 2.449 tỷ đồng, tăng 14,1%.

Nhìn chung, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Chính quyền Thành phố về phòng chống Covid-19, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã từng bước khôi phục với nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất đang dần phục hồi và phát triển.

Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu những chính sách mới, mang tính đột phá, đặc biệt là tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA và EVIPA mới được thông qua. Bên cạnh đó, các DN cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, chủ động tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu; trong đó tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn./.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam