Ngành Giao thông vận tải: Vượt khó, ghi nhiều dấu ấn phát triển

10:18 | 09/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

le

Lễ cắt băng khánh thành hầm Hải Vân 2 tại cửa hầm phía nam địa phận TP. Đà Nẵng (sáng 11/1/2021).

Tháo gỡ nút thắt thể chế

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các dự án, công trình giao thông trọng điểm được triển khai, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách...

Bộ GTVT sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách bao gồm: hoàn ứng trước kế hoạch, trả nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ khối lượng hoàn thành các dự án triển khai giai đoạn trước, trả nợ tới hạn các dự án BT, nợ địa phương, doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án trước năm 2016.

10 năm tới, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu phát triển thêm 3.000 km đường bộ cao tốc để đến năm 2030, nước ta có được 5.000 km đường cao tốc; đồng thời, đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành, trở thành cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành GTVT cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2...

Để tiến độ và chất lượng các dự án đảm bảo tốt nhất, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết và xác định đường găng của dự án. Ngay những ngày đầu của năm 2021, lãnh đạo Bộ GTVT và các cục, tổng cục đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại phát sinh...

Cũng theo Bộ GTVT, để có thể bứt phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là với các dự án cao tốc, ngoài các nguồn vốn từ ngân sách, ODA, không thể không thu hút vốn đối tác công tư (PPP). Để hút vốn PPP cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong việc thu hút vốn, mà trước hết là tháo gỡ vướng mắc của Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 bằng các văn bản, nghị định hướng dẫn.

Bộ GTVT tiếp tục tiếp thu những ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp và từ thực tiễn triển khai các dự án BOT, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc về thể chế để thực sự tạo đột phá thu hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Điểm sáng giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng 39.826 tỷ đồng, gồm: 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Đến hết năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch năm và là một trong số bộ, ngành đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực, kèm theo đó là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, Bộ GTVT xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế.

Đóng góp vào thành công trong công tác giải ngân của Bộ GTVT năm 2020, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đạt kết quả giải ngân cao, vượt mức kế hoạch đã đăng ký đầu năm như: Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Sở GTVT Đồng Tháp, Ban Quản lý dự án hàng hải, Ban Quản lý dự án đường sắt...

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, để việc giải ngân đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh thủ tục đấu thầu, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán để đảm bảo kế hoạch giải ngân theo yêu cầu. Cùng đó, các đơn vị tăng cường giám sát tình hình triển khai các dự án đang triển khai thực hiện, thúc đẩy thủ tục nghiệm thu thanh toán; tham mưu báo cáo bộ phụ trách dự án giải pháp xử lý cụ thể để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, kinh nghiệm từ việc hoàn thành công tác giải ngân năm 2020 tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo là việc Bộ GTVT đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành GTVT cũng như chú trọng các dự án trọng điểm. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương để tiếp tục triển khai thi công các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ GTVT đã nỗ lực hoàn thiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP hoàn thành dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, dự án nâng cấp, sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài…

Năm 2021, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công, dự kiến giải ngân 46.005 tỷ đồng. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân này, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai ngay từ đầu năm 2021; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án để thúc tiến độ giải ngân, nhất là với các dự án trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ODA; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Năm 2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao khoảng 39.826 tỷ đồng, gồm: 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Đến hết năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch năm và là một trong số bộ, ngành đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực, kèm theo đó là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, Bộ GTVT xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế.

Trí Dũng – Văn Nam

Trí Dũng – Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam