Thúc đẩy thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận

17:50 | 07/01/2021 Print
Trên nền tảng diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt, cùng các văn bản pháp lý liên quan chính thức có hiệu lực, theo DKRA Vietnam, cần có thêm 4 giải pháp để có thể kích hoạt lực đẩy thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh cùng vùng phụ cận trong năm 2021.

dkra

CEO DKRA Vietnam chia sẻ các giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Ảnh HM

Ngày 7/1 tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) đã tổ chức công bố Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Sự kiện có chủ đề “Lực đẩy thị trường 2021”, thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia bất động sản cùng hơn 400 nhà đầu tư quan tâm đến thị trường BĐS.

Còn rủi ro cho người mua

Trình bày tham luận tại sự kiện, ông Phạm Lâm – Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho biết, nếu nhìn lại giai đoạn 2013 - 2015, thị trường BĐS cả nước gặp phải nhiều khó khăn khi nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ đều sụt giảm, thậm chí không ghi nhận giao dịch.

Để vực dậy thị trường, Nhà nước đã thông qua và ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hệ thống văn bản pháp luật quan trọng gồm: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014... Đồng thời, việc đẩy mạnh triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn là những đòn bẩy quan trọng giúp thị trường bắt đầu hồi phục vào năm 2016.

Tương tự giai đoạn 2013 - 2015, thị trường BĐS Nhà ở TP. Hồ Chí Minh năm 2020 cũng đối mặt nhiều thách thức với ảnh hưởng kép từ đại dịch Covid-19 và đà suy giảm kéo dài từ năm 2019. Do sự siết chặt quy trình thủ tục cấp phép dự án của các cơ quan nhà nước, nguồn cung dự án mới tiếp tục sụt giảm đáng kể.

Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường gần như vắng bóng loại hình căn hộ hạng C trong khi nhu cầu ở phân khúc này còn rất lớn. Cùng lúc đó, dù nguồn cung mới giảm mạnh, mặt bằng giá vẫn liên tục tăng cao. Đặc biệt, mức giá sơ cấp ở các giai đoạn sau tăng trung bình 10% - 15% so với giá bán ở giai đoạn trước, đã cho khả năng sở hữu nhà của người có nhu cầu ở thực với nguồn tài chính không cao càng trở nên khó khăn.

Riêng với BĐS nghỉ dưỡng, đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm 2020 và sự cố vỡ cam kết lợi nhuận cuối năm 2019. Thị trường đã manh nha xuất hiện hình thức đầu tư tài chính BĐS giống như tín thác đầu tư BĐS mà luật pháp chưa có quy định cụ thể.

“Trong khi đó tại khu vực Bảo Lộc - Lâm Đồng, nhiều dự án được quảng cáo với mô hình mới như homestay, farmstay… nhưng do hiện nay Nhà nước chưa có quy định cụ thể để giám sát, quản lý hoạt động các loại hình này nên thực tế trên khiến thị trường tiềm ẩn một số nguy cơ và rủi ro nhất định” – ông Phạm Lâm nhấn mạnh.

bds
Báo cáo thị trường bất động sản thu hút hơn 400 nhà đầu tư quan tâm. Ảnh HM

4 giải pháp kích hoạt lực đẩy

Nhận định tình hình thị trường năm 2021, ông Phạm Lâm cho rằng, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường BĐS nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy để có thể giúp thị trường phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… cũng sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Đặc biệt, việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.

Trên nền tảng các tiền đề hiện hữu, DKRA Vietnam cho rằng cần có thêm 4 giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường BĐS năm 2021. Thứ nhất, đó là hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá.

Thứ hai là về hạ tầng giao thông. Tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cần được đẩy nhanh hơn để sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để DN và người dân chủ động và có được chiến lược phát triển phù hợp.

Thứ ba là vai trò của DN BĐS. Các DN nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại… để nâng cao năng lực tài chính cũng như hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Còn chủ đầu tư phải chú trọng hơn đến cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng.

DN cũng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí; cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.

“Giải pháp thứ tư là phát triển BĐS xanh, bền vững. Đây là xu thế tất yếu bởi trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, BĐS xanh và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần” – ông Phạm Lâm khuyến nghị./.

Đỗ Doãn (ghi)

Đỗ Doãn (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam