Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 5,3 tỷ USD

08:53 | 10/07/2020 Print
Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019; ước cả năm đạt 11,75 - 12 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu lâm sản vẫn tăng 2,7%, góp phần quan trọng vào giá trị chung của toàn ngành NN&PTNT.

lâm nghiệp

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Sáng ngày 10/7/2020, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2,16% (cùng kỳ năm ngoái 3,19%).

Ngành lâm nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, cả nước đã trồng 106.300 ha rừng tập trung, đạt 48,3% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm đạt khoảng 220.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 85%.

Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền đã thu được 858,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch thu năm 2020, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2019.Ước cả năm 2020 thu đạt 2.800 tỷ đồng.

Giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019; ước cả năm đạt 11,75 - 12 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 1,12 tỷ USD, giảm 8,8% so cùng kỳ 2019. Dự báo giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm đạt khoảng 2,55 tỷ USD, tương đương năm 2019.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 2,7%, góp phần quan trọng vào giá trị chung của toàn ngành NN&PTNT" - ông Phạm Văn Điển nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Điển cho biết, 6 tháng cuối năm 2020, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp, Đề án tái cơ cấu ngành, các dự án hợp tác quốc tế…Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về quản lý giống; lập và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Đồng thời đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2020 giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng...

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam