Việt Nam có 182 thương nhân xuất khẩu gạo

17:35 | 02/01/2020 Print
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công thương đã cấp thêm 47 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182.

xk gao

Năm 2019, ngành gạo xuất khẩu không như ý, với giá xuất khẩu giảm 2 con số. Ảnh: TL

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT đã có nhiều điểm mới về kinh doanh xuất khẩu gạo như: loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần xin cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh…

Theo Báo cáo về tình hình xuất khẩu lúa gạo trong năm 2019 của Bộ Công thương, ngành gạo trong nước đã có một năm sụt giảm mạnh, hụt 300 triệu USD so với năm 2018. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, chỉ thu về 2,758 tỷ USD, trong khi năm 2018 xuất 6,1 triệu tấn, nhưng mang về 3,060 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, đây là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo; nhằm phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Nhờ đó, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 107, Bộ Công thương đã cấp thêm 47 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang tiếp tục góp phần đưa những “hạt ngọc trời” của Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Trong thời gian qua, tuy gặp khó khăn ở khu vực châu Á trong năm 2019, gạo Việt Nam đã đẩy mạnh được tại các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, góp phần giảm bớt lượng suy giảm từ thị trường truyền thống là châu Á. Đây không chỉ là kết quả nhờ sự chủ động, năng động của các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam mà còn là kết quả của chủ trương chuyển dịch về cơ cấu thị trường và nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng trong thời gian qua của Bộ Công thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam