Nếu không hành động sẽ bỏ lỡ cơ hội từ các FTA

10:32 | 13/12/2017 Print
(TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương cho biết,

hàng ngoại

những cam kết để mở rộng thương mại, đầu tư và thực hiện các sở hữu trí tuệ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết tạo cơ hội rất lớn, nhưng nếu chúng ta không hành động có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội này.

* PV: Với các FTA Việt Nam ký kết, từ năm 2018 sẽ thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng hơn, thuế quan xóa bỏ nhiều hơn, ông đánh giá như thế nào về tác động tới tăng trưởng kinh tế thời gian tới?

- Ông Phạm Tất Thắng: Dù cam kết dưới hình thức nào trong hội nhập quốc tế thì cũng có một nội dung đặc biệt quan trọng là hàng rào thuế quan giảm đi theo một lộ trình và đích đến là 0%. Tuy nhiên, cam kết trong FTA nhanh hơn, triệt để hơn, nhiều dòng thuế về 0% hơn.

Đến nay trên toàn thế giới có khoảng gần 150 FTA, Việt Nam đã tham gia 14 FTA, tương lai lên đến 15 - 16 hiệp định; trong đó, quan trọng đối với Việt Nam như các FTA trong khuôn khổ ASEAN, giữa ASEAN mà Việt Nam là thành viên với các quốc gia khác như ASEAN +1, ASEAN +3 hoặc các FTA chúng ta trực tiếp ký với các quốc gia khác như với Nhật Bản, Hàn Quốc..

Gần đây dư luận chú ý nhiều đến FTA giữa Việt Nam với Liên minh Á Âu và Liên minh châu Âu, tạo điều kiện đưa hàng hóa Việt Nam tới các nền kinh tế lớn. Ngược lại chúng ta cần nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật cao của Liên minh châu Âu. Chúng ta có thể nhập công nghệ với sự cam kết ưu đãi lẫn nhau trong FTA này. Có thể nói, đây là đòn bẩy cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

phạm tất thắng

Ông Phạm Tất Thắng

* PV: Tham gia các FTA là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt, song để “chớp thời cơ” là không dễ, thưa ông?

- Ông Phạm Tất Thắng: Bản chất của FTA là các bên dành cho nhau những ưu đãi để thực hiện xu hướng thuận lợi hóa thương mại. Rõ ràng đó là các khuôn khổ pháp lý mà các nhà nước cam kết với nhau để mở rộng thương mại, dịch vụ, đầu tư và thực hiện các sở hữu trí tuệ. Đây là cơ hội tuyệt vời giúp DN Việt đưa hàng hóa vào thị trường các quốc gia Việt Nam tham gia ký kết. Do đó, DN cần nghiên cứu kỹ các điều kiện cam kết như lộ trình giảm thuế, ưu đãi ra sao, cách tính nguồn gốc xuất xứ như thế nào… để tận dụng được những ưu đãi này.

Mặt khác, Việt Nam đang rất cần vốn, cần công nghệ và lao động có chất xám cao. Hơn nữa, với các cam kết trong FTA, các DN Việt không còn phụ thuộc vào nguồn vốn trong nước mà có khả năng sẽ huy động được nguồn vốn từ nước ngoài. Đây là cơ hội để các DN giải quyết được khó khăn của mình, thỏa mãn nhu cầu về vốn, lao động, công nghệ và quản lý trong phát triển.

* PV: Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tăng trưởng xuất khẩu (XK) ở một số thị trường Việt Nam ký kết các FTA rất khả quan, nhưng cũng có một số thị trường chưa tận dụng được hết cơ hội, ví dụ như thị trường Hàn Quốc. Ông bình luận gì về điều này?

- Ông Phạm Tất Thắng: Trước đây, chúng ta đã hy vọng rất nhiều khi vào WTO, nhưng vì những nguyên nhân khách quan, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan chúng ta chưa tận dụng được cơ hội này. Gần đây dư luận lại hy vọng nhiều vào khi thực hiện các cam kết FTA giữa Việt Nam với một số quốc gia, tuy nhiên nếu chúng ta không hành động có thể lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội này.

Trên thực tế, gần đây tình hình nhập siêu và xuất siêu biến đổi bất thường. Thời gian dài chúng ta nhập siêu, sau đó xuất siêu và lại nhập siêu. 10 tháng đầu năm tính chung, chúng ta lại xuất siêu, nhưng vẫn nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Có nghĩa, một trong những nhiệm vụ về vĩ mô cần phải tiến tới là làm thế nào cân bằng cán cân thương mại.

* PV: Theo ông, một số mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như hàng nông sản, thủy sản đã tận dụng được các cơ hội hay chưa, vì yêu cầu đối với những mặt hàng này khi XK sang một số thị trường là rất cao?

- Ông Phạm Tất Thắng: Khi các rào cản thuế quan được gỡ bỏ, các nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật trong thương mại như: Bảo vệ môi trường, dư lượng hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm… Chúng ta muốn đưa hàng hóa vào thì phải tuân thủ.

Thời gian qua, các DN Việt đã ý thức được vấn đề này nhưng nhiều khâu chưa kiểm soát chặt chẽ, ví dụ thức ăn chăn nuôi có dư lượng hóa chất, kháng sinh… Thời buổi hội nhập muốn đưa hàng hóa vươn ra thế giới, không có cách nào khác là phải tuân thủ và không vấp phải các rào cản kỹ thuật các nước đưa ra.

* PV: Tại nhiều cuộc hội thảo, ông nhiều lần bày tỏ lo ngại, nếu các DN Việt không tận dụng được cơ hội, hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Đây có thể là xu thế khó cưỡng vì tác động hai chiều các FTA mang lại, thưa ông?

- Ông Phạm Tất Thắng: Trong một thời gian dài chúng ta chỉ chăm chú XK mà bỏ quên sân nhà có lượng người tiêu dùng đến hơn 90 triệu dân và thu nhập ngày càng tăng. Điều này được cải thiện sau khi cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. DN đã chú ý sản xuất hàng cho người Việt chứ không phải đem bán thứ hàng hóa không bán được ra thị trường nước ngoài. Hàng hóa đã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, mức tiêu dùng và khả năng thanh toán của người Việt. Đó là cần thiết, nhưng theo tôi DN Việt làm chưa đủ tầm. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh với chúng ta thực hiện phương châm trong cộng đồng kinh tế ASEAN là một thị trường thống nhất, vì thế không chỉ là Thái Lan mà hàng hóa nhiều nước trong khối sẽ tràn vào Việt Nam.

Có nghĩa ngoài việc đưa hàng hóa ra thế giới, DN Việt phải quan tâm hơn nữa tới thị trường trong nước, bởi có cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà. Nếu DN không tích cực, không sáng suốt thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam