Cần thiết phải thu hút đầu tư từ tư nhân

16:29 | 30/09/2015 Print
Chính sách nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng đất đai manh mún làm hạn chế hiệu quả kinh tế theo quy mô lớn

Đó là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại hội thảo “Đánh giá chính sách nông nghiệp ở Việt Nam”, do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 30/9/2015, tại Hà Nội.

Giám đốc Ban Thương mại và Nông nghiệp của OECD, ông Ken Ash cho biết, cải cách kinh tế đã tạo ra kết quả ấn tượng trong ngành nông nghiệp, giúp tăng sản lượng nông nghiệp hơn 3 lần trong giai đoạn 1990 – 2013, nâng cao thu nhập người dân, xóa đói giảm nghèo, giải quyết nạn đói và đẩy mạnh xuất khẩu .

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của OECD, Việt Nam cần củng cố những thành tựu đó bằng việc giải quyết những thách thức dài hạn gây ra bởi suy giảm tăng trưởng sản xuất, giá hàng hóa nông sản giảm, hạn chế về đất đai để mở rộng sản xuất là những bằng chứng ngày càng rõ ràng của tác động môi trường tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Ken Ash nhấn mạnh: “Để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần cải thiện chính sách, cho phép những khoản đầu tư để giúp ngành nông nghiệp tiếp tục nắm bắt cơ hội đến từ nhu cầu gia tăng, đồng thời thích ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu và hạn chế các nguồn lực".

Trong đó, chi phí lao động gia tăng sẽ mở ra cơ hội để áp dụng công nghệ mới và khuyến khích xây dựng các trang trại lớn hơn, nhưng chúng cũng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành về tổng thể, đặc biệt là nếu các hộ sản xuất quy mô nhỏ không thể tiếp cận và thích nghi với những công nghệ tiết kiệm lao động mới.

Theo đó, báo cáo của OECD đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm bớt những rào cản với đầu tư tư nhân, bao gồm đất đai manh mún làm hạn chế hiệu quả kinh tế theo quy mô và những rào cản khác về quyền sử dụng đất, khiến tăng chi phí.

Tuy nhiên cũng theo đánh giá của tổ chức này, cơ sở hạ tầng nông thôn về cơ bản đã cải thiện nhưng đầu tư đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng nghiêm trọng.

Đáng chú ý, các mức hỗ trợ cho nông dân, được đo bằng tỷ lệ chuyển giao dựa trên chính sách từ người tiêu dùng và người nộp thuế trong tổng doanh thu nông sản đến nông dân đã có sự thay đổi lớn.

Hỗ trợ cho nông dân đạt ở mức 7% tổng doanh thu nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2013. Đây là mức hỗ trợ tương đối thấp, tuy nhiên những hỗ trợ này tương đương 2,2% GDP, một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các nước OECD nghiên cứu. Điều này chứng tỏ rằng, đối với một nước đang phát triển với khu vực nông nghiệp lớn và GDP thấp, mức độ hỗ trợ thấp cũng có thể tạo ra chi phí tương đối cao cho nền kinh tế.

Qua những phân tích trên, ông Ash nhấn mạnh: “Phân tích của chúng tôi cho thấy nguy cơ tạo ra gánh nặng cho tài chính công đến từ chính sách hiện hành vì vậy nguồn chi tiêu phải được sử dụng hiệu quả”./.

Diệu Hoa

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam