Giá sữa có thể giảm tiếp từ năm 2016

16:25 | 31/08/2015 Print
Châu Âu và Úc là hai thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất của Việt Nam. Trong khi theo các FTA giữa ASEAN - Úc, ASEAN - New Zealand và Việt Nam - EU, lộ trình xóa bỏ thuế quan sữa nhập từ các thị trường trên vào các nước ASEAN sẽ bắt đầu từ năm 2016.

giá sữa

Hiện có hơn 700 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được áp giá trần cho đến hết năm 2016. Nhiều loại sữa trong số đó, được nhập khẩu từ châu Âu, châu Úc. Ảnh minh họa

Trong tháng 8/2015, giá sữa và các sản phẩm sữa tiếp tục ổn định so với tháng trước đó. Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trên thị trường sữa Việt Nam hiện đã có hơn 700 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được điều tiết giá theo quy định áp giá trần cho đến hết năm 2016. Nhiều loại sữa trong số đó, được nhập khẩu từ châu Âu, châu Úc.

Theo các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN - Úc, ASEAN - New Zealand và Việt Nam - EU, lộ trình xóa bỏ thuế quan sữa nhập từ các thị trường trên vào các nước ASEAN sẽ bắt đầu từ năm 2016. Đây được xem là một yếu tố quan trọng có thể góp phần giảm giá sữa trong nước trong những năm tới.

Trước đó, theo số liệu được Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương công bố, trong nửa đầu tháng 8/2015, nhập khẩu sữa vào Việt Nam tiếp tục giảm, đạt trị giá 27,8 triệu USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2015, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đạt 605,54 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Còn trong 7 tháng đầu năm 2015, New Zealand là thị trường cung cấp sữa và sản phẩm sữa nhiều nhất cho Việt Nam, với 149,53 triệu USD, giảm 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.

Mỹ xếp vị trí thứ hai về kim ngạch với 85 triệu USD, giảm 45%, chiếm tỷ trọng gần 15,6%. Tiếp theo là Singapore với 73,57 triệu USD, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,4% tổng kim ngạch. Ba Lan và Nhật Bản là hai thị trường đạt mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt tăng 200,3% và 101,6%.

Trong khi đó, cũng theo cơ quan này, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12% - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Úc với biên độ giảm từ 30% - 35% so với tháng trước.

Cụ thể, tại thị trường châu Ầu, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) tiếp tục giảm 75 - 225 USD/tấn, còn 1.650 - 1.925 USD/tấn (FOB); giá sữa bột nguyên kem 26% bơ giảm 125 - 400 USD/tấn, còn 1 900 - 2.475 USD/tấn (FOB). Giá bột whey là 650 - 850 USD/tấn, giảm 150 USD/tấn so với tháng trước.

Diễn biến cùng chiều nhưng giá sữa tại thị trường châu Úc giảm nhiều hơn: giá sữa bột gầy (1,25% bơ) giảm 400 - 450 USD/tấn, xuống còn 1.325 - 1.700 USD/tấn (FOB); giá sữa bột nguyên kem 26% bơ giảm 300 - 525 ƯSD/tấn, xuống 1.450 - 2.000 USD/tấn (FOB).

Nguyên nhân, mặc dù thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến chăn nuôi, khiến sản lượng sữa châu Âu giảm, nhưng nhìn chung nguồn cung sữa hiện vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Còn tại châu Úc, sản lượng sữa tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2014 khiến nguồn cung sữa khu vực này dư thừa, giá sữa giảm mạnh. Sản lượng sữa của Úc trong tháng 6 và 7 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, nguồn cung sữa sẽ tiếp tục dồi dào cho đến hết năm 2015, đặc biệt áp lực dư cung ở châu Úc sẽ khiến giá sữa thế giới có thể tiếp tục giữ ở mức thấp trong tháng tới.

N.P

N.P

© Thời báo Tài chính Việt Nam