Việt Nam - Nhật Bản: Xây dựng tầm nhìn trung và dài hạn trong nông nghiệp

17:02 | 12/08/2015 Print
Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp được xây dựng triển khai trong 5 năm (từ năm 2015-2019) với kế hoạch hành động cụ thể. Ở mỗi địa phương thí điểm được lựa chọn theo từng vấn đề trọng tâm dựa trên từng khâu của chuỗi giá trị thực phẩm.

Hội nghị Ngật Bản-VN

Hội nghị Đối thoại cao cấp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác phát triển ngành nông nghiệp. Ảnh: Thủy Tiên

Ngày 12/8/2015, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Đối thoại cao cấp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam lần thứ hai.

Tại hội nghị này hai bên đã cùng nhất trí sẽ xây dựng Tầm nhìn trung hạn và dài hạn trong hợp tác xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản và khung hợp tác liên kết phát triển kinh tế với sự tham gia của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân của cả hai nước.

Ngoài ra, dưới hình thức liên kết hợp tác công tư, hai phía lựa chọn địa phương thí điểm. Tầm nhìn trung hạn và dài hạn được xây dựng dựa trên việc xây dựng các địa phương thí điểm, mỗi địa phương sẽ tập trung vào một vấn đề trọng điểm cần giải quyết của chuỗi giá trị thực phẩm, xem xét tới biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thôn Cao Đức Phát đã có cuộc họp song phương với Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Hiroshi Fukada. Phía Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị thời gian tới, hai bên tập trung trao đổi một số lĩnh vực mà hai bên có lợi thế như thương mại và đầu tư.

"Hai bên sẽ tăng cường thúc đẩy thương mại hàng nông lâm thủy sản. Việt Nam đã tạo điều kiện và mở cửa mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm từ Nhật Bản xuất khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm", Bộ trưởng nói.

Việt Nam cũng đề nghị phía Nhật Bản sớm cho phép xuất khẩu xoài Việt Nam sang Nhật Bản để có thể tuyên bố vào tháng 9/2015 nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, xem xét xúc tiến mở cửa thị trường đối với thanh long ruột đỏ và vải tươi của Việt Nam.

Hơn nữa, hai bên sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng như liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lúa, hoa quả và các sản phẩm thủy sản....

Song song đó, sẽ thúc đẩy mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, quan tâm hợp tác nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm từ khâu sản xuất đến thu hoạch và phân phối sản phẩm, khảo sát, nghiên cứu mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và thúc đẩy thương mại.

Đối với hợp tác kỹ thuật và các dự án ODA, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu với các DN thủy sản Nhật Bản để sản xuất giống, sinh sản nhân tạo và nuôi cá ngừ vây xanh, vây vàng tại Việt Nam, tạo điều kiện học tập công nghệ đánh bắt hải sản tiên tiến của Nhật Bản như cá ngừ... Thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong việc tạo ra các giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế. Hợp tác tăng cường năng lực cho các cán bộ Việt Nam về chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản ủng hộ Bộ NN&PTNT các chương trình dự án Hỗ trợ kỹ thuật, dự án vay vốn của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, thủy sản.

Phía Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Hiroshi Fukada cũng có đề xuất như điều chỉnh thời gian ký phê duyệt Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Đồng thời, yêu cầu tạo điều kiện để doanh nghiệp có hoạt động đầu tư được thuận lợi ở Việt Nam...

Trả lời yêu cầu của Nhật Bản, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, phía Việt Nam đang xây dựng Nghị định về Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút đầu tư của nước ngoài đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích tất cả các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, bao gồm cả các DN Nhật Bản./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam