Đầu tư cho nông nghiệp: Tỷ trọng thấp, hiệu quả ít

17:21 | 06/05/2015 Print
TBTCO - Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp vốn đã chiếm tỷ trọng thấp, lại phân bổ không hợp lý, quản lý chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng của ngành Nông nghiệp thời gian gần đây.

Tỷ trọng đầu tư liên tục giảm

Trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 mới đây, hai chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Anh Phong (Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn) và TS. Nguyễn Lâm Thành (Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho rằng, vốn đầu tư trong nông nghiệp ở mức thấp và có xu hướng giảm, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư liên tục giảm trong suốt 30 năm qua và chỉ còn chiếm 5,8% trong giai đoạn 2008-2013 (riêng 2013 chỉ còn 4,7%).

Nguồn vốn đầu tư phân bổ không hợp lý, quản lý chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2008-2013. Vốn ngân sách hiện nay tập trung nhiều nhất cho thủy lợi (75,6% năm 2013), chủ yếu là các công trình tưới tiêu lớn cho vùng trọng điểm lúa ở hai vùng đồng bằng chính. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực còn rất hạn chế (tương ứng 0,8% và 1,5%).

Bên cạnh đó, đầu tư mới chú ý đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả sử dụng các công trình. Ví dụ, ngay trong thủy lợi, chưa chú trọng đến việc duy tu, bảo quản, nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi chỉ đạt 78% công suất thiết kế, mới có 43% diện tích cây rau màu và cây công nghiệp được tưới chủ động.

Song song đó, chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những bất cập. Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam giai đoạn 2006-2012, quy mô cho vay nông thôn chỉ chiếm 13,6% tổng dư nợ cho vay; mặc dù có tới 50% số hộ nông dân có vay nợ và 60% trong đó có nguồn tín dụng từ ngân hàng. Tín dụng vi mô kém phát triển khiến tín dụng phi chính thức với rất nhiều rủi ro và thiệt thòi cho nông dân vẫn phổ biến tại nông thôn.

Các chuyên gia này cho rằng, nguyên nhân chính là do một số quy định vay vốn không phù hợp, cụ thể là thủ tục, quy định vay vốn quá chặt đối với nhiều nông dân; quy định nông dân phải mua máy móc lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, trong khi ngoài thị trường những loại nông cụ đạt tỷ lệ nội địa trên rất ít hoặc cung không đủ cầu; quy định về số tiền vay nhỏ.

Thiếu vốn và kèm theo đó khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế không chỉ là cản trở đối với nông hộ mà còn của cả các doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn và có đến 85,3% số doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Sau khi chính sách khuyến khích tín dụng ra đời theo Nghị định 41/NĐ-CP, song vẫn vướng phải trở ngại trên thực tế, vì chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cùng với yêu cầu bảo toàn vốn của các ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân vẫn còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng cả về số lượng và thời gian chu kỳ sản xuất phù hợp. Điều này kéo theo hệ lụy là số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có hơn 13.000 doanh nghiệp là con số rất khiêm tốn.

Cần chính sách ưu đãi hợp lý

Theo các chuyên gia, thực trạng bức tranh về doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phản ảnh đúng những gì mà cơ chế, chính sách tác động đến lĩnh vực nông nghiệp như: Phân bổ nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, cơ cấu đầu tư cho các lĩnh vực, ngành trong sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực hỗ trợ như khoa học công nghệ, nhân lực và hạ tầng nông nghiệp khác cùng các quy định về chính sách ưu đãi, bao gồm cả tín dụng.

Vì vậy, cần có chính sách mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy sự đầu tư và tăng trưởng trong nông nghiệp thời gian tới.

Các chuyên gia khuyến nghị về chính sách tín dụng, trong điều kiện nguồn vốn không quá thiếu, ngân hàng có thể huy động được nhiều nguồn trong xã hội, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bảo lãnh và ưu đãi tín dụng, thực thi chính sách hiệu quả mới thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và bền vững, thực sự trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển số lượng, chất lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý DN trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là một vấn đề cần hết sức ưu tiên và được xem là điểm cốt lõi trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Đặc biệt cần cụ thể hóa hợp lý những nội dung quy định trong Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua liên quan đến chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhóm đối tượng này./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam