Liên kết DN trong nước và nước ngoài còn yếu: Vai trò của chính sách và điều hướng ở đâu?

09:27 | 11/04/2015 Print
Mục đích quan trọng nhất của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là phải tạo được sự lan tỏa rộng rãi đến nền kinh tế trong nước và tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước, để đưa DN trong nước trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là chủ đề chính được tập trung trao đổi tại Hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCSEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức ngày 9/4, tại Hà Nội. Làm sao hạn chế những tác động bất cập từ các DN FDI Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCSEIF cho biết, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, dòng vốn FDI được khơi thông nhanh chóng. Nguồn vốn này đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam thông qua nguồn vốn cho phát triển tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới,… Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính chung trong quý 1/2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt hơn 1,8 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có 267 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD; 102 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 600 triệu USD. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, chưa tính đến đột biến với trào lưu hội nhập và cải cách thủ tục hành chính, thì dự báo năm 2015 vốn đăng ký FDI khoảng 18 tỷ USD, thậm chí có thể tốt hơn và vốn giải ngân kỳ vọng đạt hơn 12 tỷ USD. Cũng theo ông Hoàng, nguồn vốn FDI từ chỗ chưa được công nhận đến nay đã được công nhận trở thành một thành phần quan trọng của nền kinh tế và hiện nay đầu tư của FDI chiếm khoảng 22-25% tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp ngân sách khoảng 14-15%. “Mức đóng góp này tuy còn khiêm tốn, tuy nhiên chúng ta phải đánh giá cao sự đóng góp của FDI đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có thể nói, không có FDI, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhưng không thể như ngày hôm nay”, ông Hoàng nhấn mạnh.

FDI

Các diễn giả và chuyên gia trao đổi tại Hội thảo

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường (NCSEIF), bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động FDI cũng còn nhiều bất cập như: DN FDI chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, ít công nghệ nguồn; chuyển giá và trốn thuế; cơ cấu đầu tư chưa cân đối; tác động xấu đến môi trường; chiếm thế độc quyền trong một số ngành, lĩnh vực gây ảnh hưởng xấu đến sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí ở một số ngành đã triệt tiêu DN trong nước.

Để khắc phục vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, ghi nhận sự đóng góp của DN FDI, tuy nhiên DN trong nước chiếm đến hơn 90% trong tổng số DN phải đóng vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ các DN trong nước phát triển, bởi vậy, khối DN này, đặc biệt là DN tư nhân phải đưa nền kinh tế phát triển bằng tự lực.

Liên kết DN trong và ngoài nước còn yếu

Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KHĐT) cho rằng, FDI đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội xét trên các chỉ tiêu vĩ mô. Tuy nhiên, xét trên những chỉ tiêu vi mô như tác động lan tỏa đến sản lượng của DN trong nước, mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước chưa rõ rệt, thậm chí có thể nói là còn yếu.

Dẫn chứng cho điều này, ông Huy nêu ví dụ, trường hợp của Canon, tỷ lệ nội địa hóa của Canon là hơn 60%. Tuy nhiên, số lượng nhà cung cấp là DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số các nhà cung cấp. Mặt khác, chủ yếu DN Việt Nam tham gia ở những khâu sản xuất đơn giản chứ việc sản xuất những linh kiện phụ tùng kỹ thuật cao thì chủ yếu là do DN FDI trong nước cung cấp. Tương tự, Samsung tỷ lệ DN trong nước cung cấp linh phụ kiện cho doanh nghiệp này cũng chỉ khoảng dưới 10%.

Nguyên nhân của thực trạng này, có thể phải nói đến vai trò điều hướng từ cơ chế chính sách của nhà nước. Theo ông Huy, một mặt do chúng ta chưa hình thành được hệ thống pháp luật, chính sách riêng để thúc đẩy mối liên kết của DN FDI và DN trong nước. Mặt khác, quan trọng hơn là do DN trong nước phần lớn còn yếu về năng lực, công nghệ, trình độ quản lý,… nên việc liên kết với DN FDI và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu rất khó khăn.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nâng cao vai trò cầu nối của nhà nước trong việc xây dựng những mô hình liên kết phù hợp, thúc đẩy nâng cao vai trò trách nhiệm của DN FDI trong việc hỗ trợ, kết nối với DN trong nước. Đặc biệt, bản thân các DN trong nước phải có những đột phá về công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,… để có thể đủ lực liên kết chặt chẽ với DN FDI, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

Bài và ảnh: Thiện Trần

Bài và ảnh: Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam