Điểm nhấn 2014: Quyền tự do kinh doanh được đảm bảo hơn

21:06 | 11/02/2015 Print
Những nỗ lực của Chính phủ trong “đổi mới cơ bản về thể chế tác động đến môi trường kinh doanh” là một điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế năm 2014.

CIEM

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 11/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2014: Thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách 2015 – 2016.

Không còn phải “hy sinh lạm phát” để đổi lấy tăng trưởng

Đánh giá chung, các chuyên gia của CIEM cho rằng, tín hiệu phục hồi tăng trưởng đã rõ hơn trong năm 2014. Tuy nhiên, mức tăng trưởng còn thấp hơn so với mức trung bình giai đoạn 1999 – 2000 và xu thế tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét. Sự phục hồi tăng trưởng mới chỉ diễn ra ở nông lậm nghiệp – thủy sản và công nghiệp – xây dựng, nhưng dịch vụ tăng trưởng đã chậm lại, nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Tăng trưởng GDP thấp hơn mức trung bình và thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam theo Chỉ báo Phát triển Thế giới (WDI) là một bức tranh khác, ít sáng hơn. Yêu cầu tăng nhanh năng suất, nhất là năng suất lao động đã trở nên không thể chần chừ bởi số lượng lao động tăng chậm đáng kể so với trước đây. Mức GDP đầu người của Việt Nam đang tăng nhanh khoảng cách so với Trung Quốc, trong khi tỷ lệ GDP của Việt Nam ngày càng nhỏ so với Trung Quốc, tức là chúng ta yếu đi cả về tuyệt đối và tương đối.

Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế là lạm phát đang ở mức thấp và ổn định, chúng ta dường như không phải “hy sinh lạm phát” để đổi lấy tăng trưởng. Lãi suất giảm, tín dụng tăng nhanh và đều hơn trong quý 4. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm.

Về triển vọng kinh tế vĩ mô cho năm 2015, trong điều kiện “bình thường”, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2015 dự báo ở mức 6,07%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 11,2%, thấp hơn năm 2014. Thâm hụt thương mại ở mức 3,9 tỷ USD, chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Mức tăng giá tiêu dùng khoảng 4,14%, cao hơn so với năm 2014.

Cải cách thể chế về môi trường kinh doanh

Về mặt thể chế, theo báo cáo, số lượng các luật được ban hành năm 2014 nhiều hơn, một số luật đạt chất lượng cao, phù hợp với chủ trương phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Một trong những trọng tâm cải cách thể chế của năm 2014 là đơn giản hóa, giảm chi phí và thủ tục đăng ký thành lập DN, thủ tục đầu tư và các thủ tục khác về sản xuất kinh doanh. Những thay đổi về thể chế được đánh giá là đã tác động tích cực đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Theo đó, quyền tự do kinh doanh của người dân và DN được mở rộng và được đảm bảo chắc chắn hơn. Nhiều rào cản gia nhập thị trường đã được gỡ bỏ và tạo thuận lợi hơn cho kinh doanh (Luật Doanh nghiệp, Nghị quyết 19, bỏ trần chi phí quảng cáo…). Phạm vi và thẩm quyền can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước vào các DN có vốn nhà nước được thu hẹp. Nhiều quy định mới cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền của cổ đông, nhà đầu tư; mở rộng tự chủ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong dàn xếp và quyết định các vấn đề quản trị nội bộ công ty, tạo thuận lợi hơn cho M&A, rút khỏi thị trường…

Những thay đổi này sẽ mở rộng quyền tự do, dân chủ trong kinh doanh, tự quyết nhiều hơn với các vấn đề nội bộ. Giảm rủi ro pháp lý, tăng mức độ an toàn trong đầu tư kinh doanh. DN có cơ hội giảm các chi phí, tăng lợi nhuận cho kinh doanh.

Chú trọng nội dung hơn quy trình

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, để hiện thực hóa những tác động từ thay đổi thể chế này cần hết sức chú trọng khâu triển khai thực hiện. Các cán bộ, công chức thực thi cần tôn trọng luật, không làm méo mó, sai lệch nội dung của luật, không làm trái luật. Các luật sư, thẩm phán phải đề cao nội dung, xem nhẹ hình thức.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, đôi khi chúng ta vẫn coi trọng quy trình hơn là nội dung. Cơ quan quản lý chú trọng việc làm đúng quy trình mà xem nhẹ bản chất. Chỉ một vài từ cũng có thể khiến hợp đồng bị tuyên vô hiệu khiến nhiều hoạt động kinh doanh rất rủi ro. Bên cạnh đó, DN, nhà đầu tư cần phải tận dụng luật, tìm kiếm những cách thức tốt nhất để bảo vệ lợi ích của mình, có như vậy mới tận dụng hết được lợi ích mà các cải cách năm 2014 tạo ra.

Đánh giá về báo cáo kinh tế vĩ mô 2014, dự báo 2015 và những kiến nghị chính sách CIEM đưa ra, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, báo cáo đã nêu bật những nỗ lực của Chính phủ trong “đổi mới cơ bản về thể chế tác động đến môi trường kinh doanh”, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những yếu kém và thiếu sót của thể chế kinh tế thị trường Việt Nam về bảo đảm quyền sở hữu tài sản, trật tự thị trường, vấn nạn độc quyền, buôn lậu, hàng giả… làm méo mó thang bậc giá trị thị trường. Ưu điểm nổi bật của báo cáo là được xây dựng trên nghiên cứu khoa học, khách quan và độc lập, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ, xứng đáng là tài liệu giá trị cho các cơ quan quản lý tham khảo./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam