Ai sẽ mua cổ phần của Vinatex?

17:22 | 20/07/2014 Print
Khả năng nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tài chính tham gia mua cổ phần của Vinatex hiện được coi là khá thấp, khi 3 năm nữa Vinatex mới đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết...

ipo vinatex, vietnam airlines

IPO của Vinatex và Vietnam Airlines đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các NĐT. (Ảnh minh họa)

Khó hấp dẫn

Trong khi các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân thường quan tâm đến cơ hội đầu tư ngắn hạn, thì lộ trình niêm yết của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), được lãnh đạo tập đoàn này cho biết, tại Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào Vianatex vừa qua, kéo dài khoảng 3 năm.

Cũng theo kế hoạch của Vinatex, cổ tức trong năm đầu tiên CPH (năm 2014) là 5% và 3 năm sau (năm 2017) mới có khả năng tăng dần lên mức 12% - mức cổ tức này chưa phải là quá hấp dẫn đối với NĐT cá nhân.

Còn đối với các NĐT là tổ chức tài chính thì họ thường quan tâm nhiều hơn đến triển vọng của ngành nghề kinh doanh, những kết quả kinh doanh dài hạn, có hiệu quả.

Theo ông Tào Minh Dương - Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Vinatex có mức tỷ suất sinh lời ROE ở mức trung bình là 5,8% và đến năm 2017 cũng chỉ đạt khoảng 10,7%. Trong khi đó, ngành dệt may lại là ngành có lợi nhuận biên thấp, nếu vốn điều lệ quá lớn đến 5.000 tỷ đồng, thì để tạo ra cổ tức 10%, lãi ròng sau thuế phải đạt tối thiểu 500 tỷ đồng. Điều này quả là khá khó khăn đối với Vinatex.

Kỳ vọng ở NĐT chiến lược

Dễ nhận thấy, Vinatex hoạt động trong ngành đặc thù của những nước đang phát triển như Việt Nam, đó là những nước có tỷ lệ lao động thông dụng cao. Do đó, NĐT chiến lược đến với Vinatex có thể sẽ là các hãng sản xuất quần áo, giày dép lớn trên thế giới.

Ông Dương cho rằng, với cơ cấu cổ đông của Vinatex có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ quá bán 51%, nếu IPO không thành công - tức bán không hết khoảng 122 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 1.220 tỷ đồng - chiếm khoảng 24% vốn điều lệ), thì phần còn lại khả năng lớn lại được đưa về trở thành phần vốn nhà nước tại Vinatex.

Nếu khả năng này xảy ra, nhà nước sẽ vẫn là cổ đông chiếm phần lớn CP ở Vinatex và như vậy đối tác chiến lược sẽ có rất ít "tiếng nói" tại DN này.

Một nêu ý kiến rằng, đối với thị trường dệt may, ngay cả nhu cầu tìm kiếm một hãng để gắn kết trong chuỗi sản xuất cũng không quá bức thiết, vì có quá nhiều nước cung cấp dịch vụ này như Việt Nam, đặt hàng đâu cũng có.

Hay nói cách khác, động cơ để tìm một hãng gắn kết với mình để không bị xáo trộn trong việc cung cấp sản phẩm, không hẳn là bức thiết.

Hơn nữa, đối với nhiều hãng lớn trong ngành dệt may, họ cũng còn có nhiều sự lựa chọn hơn khi họ có thể đặt thẳng nhà máy của họ tại nước đó, kinh doanh ở cấp độ toàn cầu, mở nhà máy gia công tại các nước khác, theo đúng tiêu chuẩn, công suất và kiểm soát được nguồn hàng - một sự lựa chọn khá tốt so với việc góp vốn mua cổ phần - một chuyên gia chứng khoán nói.

Sự “hậu thuẫn” của nhà có hấp dẫn NĐT?

Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy rằng, những tập đoàn, tổng công ty lớn thường có những lợi thế nhất định, nhất là khi nhà nước chưa thể rút chân hoàn toàn ra khỏi DN, mà cần phải có lộ trình.

Câu hỏi đặt ra là, liệu vai trò hậu thuận của nhà nước có phải là khía cạnh hấp dẫn NĐT chiến lược?

Theo một chuyên gia, yếu tố này có khả năng hấp dẫn NĐT khi nó chuyển được thành kết quả thực tiễn. Vì với những NĐT chiến lược, nhìn trong dài hạn thấy nhiều lợi thế tiềm ẩn và nhiều cơ hội hợp tác khác thì NĐT sẽ đánh giá cao.

Song, đối với các NĐT cá nhân và các quỹ đầu tư tài chính, chu kỳ đầu tư của họ có thể chỉ ở khoảng 3- 5 năm. Đối với những nhà đầu tư này, họ không cần quá coi trọng lợi thế của DN, mà chỉ quan tâm đến việc trong phạm vi từ 3-5 năm, DN phải chuyển hóa vốn của NĐT đạt được một khoảng tỷ suất sinh lời nào đó. Nếu quá trình đó diễn ra quá dài, thì các quỹ này cũng không đánh giá cao và chưa chắc sẽ tham gia.

Còn đối với các NĐT cá nhân cũng không cần biết DN có được tiềm năng hay lợi thế, mà quan trọng là DN sẽ có kế hoạch và trả cổ tức đủ mức hấp dẫn, cổ phiếu sẽ có khả năng tăng giá... thì NĐT mới mua.

Theo dự kiến, vào khoảng đầu tháng 8 tới đây, Vinatex sẽ thực hiện IPO và kết quả của nó vẫn chưa có nhiều cơ sở thông tin để đoán định là sẽ đạt thành công ở mức độ nào. Có thể thị trường sẽ có tiếng nói riêng vào hoàn cảnh của thị trường thời điểm đó, cũng có thể đến khi đó các nhà đầu tư mới bộc lộ góc nhìn khác về Vinatex... nhưng với một lộ trình khá dài để đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết, ít nhiều cũng sẽ là yếu tố làm ảnh hưởng không tốt theo góc nhìn của một số nhà đầu tư hiện nay./.

Tuấn Anh

Tuấn Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam