70% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào hàng Việt Nam

14:46 | 03/07/2014 Print
Hiện có hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam. Đặc biệt, số lượng người tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng dệt may, da giày lên tới 80%, hàng thực phẩm lên tới 60%. Tại một số siêu thị và 9.000 điểm bình ổn thị trường, hàng hóa nội địa chiếm tỷ lệ lớn từ 80-90%.

Kết quả trên được Bộ Công thương công bố tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức sáng nay, 3/7, tại Hà Nội.

Theo đó, tính đến tháng 5/2014, Bộ Công thương đã phê duyệt 618 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là hơn 375 tỷ đồng. Trong đó, có 356 đề án tập trung vào thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo với tổng kinh phí gần 168 tỷ đồng.

Trong 5 năm, đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, có hơn 53.000 lượt DN tham gia với 48.000 gian hàng và mang lại doanh thu gần 35 nghìn tỷ đồng.

hang viet

Hàng hóa nội địa chiếm 90% tại các siêu thị lớn. Ảnh: ĐT

Hiện đã có hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong hệ thống siêu thị của một số DN trong nước, hàng hóa nội địa vẫn chiếm tỷ lệ lớn từ 80-90%, nhất là một số siêu thị như Big C chiếm tới 90%, hệ thống siêu thị Saigon Coop có tới gần 95%, siêu thị Vinatex mart có tới 100%... Bên cạnh đó, hiện nay, tại hệ thống 9.000 điểm bình ổn thị trường đã có tới 90% là hàng sản xuất trong nước.

Từ khi thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2009, đến nay tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của DN tăng bình quân 25%. Kết quả từ cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2013 đạt 2.617.963 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nhập siêu và đạt trạng thái xuất siêu 862 triệu USD năm 2013.

Tại Hội nghị, trong bản tham luận của mình, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng nhấn mạnh những kết quả tích cực mà TP. Hà Nội đã có được trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, phải kể đến việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2020 sẽ phát triển 5 trung tâm bán buôn cấp vùng, 22 trung tâm mua sắm, 29 trung tâm thương mại, 73 siêu thị, 5 chợ đầu mối, 1 chợ chuyên doanh và 174 chợ dân sinh.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường với gần 43.000 vụ, trong đó xử lý gần 40 nghìn vụ vi phạm, thu 336 tỷ đồng, phạt hành chính hơn 100 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đánh giá, sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động còn thiếu kết quả mang tính đột phá, chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, đa số các hội chợ, triển lãm không thu hút được các DN lớn, thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được sản xuất, phân phối và tiêu dùng...

Đồng thời, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công thương kết hợp với các đơn vị liên quan sẽ khắc phục triệt để những hạn chế kể trên để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả và đột phá hơn./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam