Làng đồng Lộng Thượng: Đời sống nâng cao nhờ chính sách miễn thuế

13:06 | 25/04/2014 Print
(TBTCVN) - Nhờ có nghề đúc đồng truyền thống, người dân làng Rồng (làng đúc đồng thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng nằm ở phía Đông của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và các vùng xung quanh nhiều đời no ấm.

Sống tốt nhờ yêu nghề…

Làng còn có tên gọi cổ là làng Rồng. Theo sử sách, tổ nghề đúc đồng là Khổng Minh Không - Quốc sư triều Lý thế kỷ XII đã dạy nghề đúc đồng cho dân làng.

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi tích cực trong giai đoạn hội nhập của đất nước với nền kinh tế thế giới, nhiều làng nghề truyền thống phải đối mặt với những thách thức, trước nguy cơ mất dần làng nghề, vấn đề môi trường, sức khỏe người lao động... Tuy nhiên, cùng với nó, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục trở lại góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết lao động tại các địa phương.

Làng Rồng

Những sản phẩm chủ yếu, mang đặc trưng của Làng Rồng. Ảnh: C.V

Làng Rồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong những làng nghề truyền thống đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, đứng trước những nguy cơ bị mai một trong chiến tranh, suy thoái kinh tế. Nhưng, nhờ tâm huyết và lòng yêu nghề của các vị tiền bối, nghề đúc đồng làng Rồng vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Giờ đây, về làng Rồng có thể thấy sự thay da đổi thịt trong từng ngày, mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt.

Tìm đến nhà nghệ nhân Dương Văn Vĩnh (82 tuổi), chúng tôi được nghe kể về cuộc đời làm nghề của Cụ, cũng như các giai đoạn phát triển của nghề đúc đồng làng Rồng. Với kinh nghiệm trên 60 năm trong nghề, cụ Vĩnh cho biết, để làm ra một sản phẩm đồng là cả một quy trình vô cùng phức tạp, nhiều công đoạn. Ở mỗi công đoạn, người thợ cần phải có những kinh nghiệm, bí quyết riêng để tạo thành những sản phẩm hoàn chỉnh tinh xảo, có hồn nhất. Sản phẩm của làng nổi tiếng nhất là lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng, lục bình,...

Hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống

So sánh giữa nghề đúc đồng xưa và nay, cụ Vĩnh chia sẻ “Nghề đúc đồng ngày xưa và bây giờ có nhiều thay đổi”. Ở thời các cụ, để đúc được một sản phẩm đồng phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, sản phẩm lớn nhất chỉ khoảng nặng 26, 27 kg; nhưng bây giờ với kỹ thuật đúc đồng hiện đại thì có thể sản xuất được những sản phẩm lớn với trọng lượng vài tạ cho đến vài tấn.

Làng Rồng

Cụ Dương Văn Vĩnh bên cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình. Ảnh: PV

Kỹ thuật đúc hiện đại, quy mô cũng hoành tráng hơn cùng với hệ thống lò nung lớn hơn nhiều so với ngày xưa, số lượng sản phẩm được sản xuất ra nhiều trong thời gian ngắn. Với một đợt lửa có thể đúc được hàng trăm bộ sản phẩm với mẫu mã đa dạng, họa tiết tinh xảo.

Với việc mua bán và phân phối sản phẩm cũng thuận lợi hơn nhiều. Ở thời các cụ, sau khi làm xong sản phẩm phải mang đi bán, sản phẩm bán ra thị trường chậm còn bây giờ chẳng phải mang đi đâu, các thợ buôn đến tận cơ sở sản xuất lấy hàng, hàng làm ra đến đâu hết đến đấy.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi đó để bắt kịp với nền kinh tế thị trường, cụ Vĩnh không quên dạy con cháu phải giữ được những nét truyền thống trong nghề cũng như những tinh hoa văn hóa của làng.

Nghề đúc đồng: câu chuyện của hôm nay...

Ông Dương Văn Viễn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề đúc đồng thôn Lộng Thượng cho biết: “Theo thống kê, trong thôn có tất cả 170 hộ làm nghề đúc đồng, trong đó, tổng số hội viên của Hiệp hội là 92 thành viên vừa sản xuất, vừa kinh doanh. Hiệp hội luôn có những cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tay nghề, định hướng nghề nghiệp cho các thành viên.”

Được hỏi về chính sách thuế hàng năm, ông Viễn cho hay: “Được sự quan tâm của tỉnh và Nhà nước, cũng như để khuyến khích và giữ gìn làng nghề truyền thống thì 5 năm trở lại đây các hộ kinh doanh được miễn 100% các loại thuế”.

Nhờ đó, giai đoạn gần đây làng nghề đã có sự phát triển, mức thu nhập của các hộ đã có những chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân mỗi hộ trong 2 năm nay đã có thay đổi rõ rệt: Năm 2012 là 60 triệu đồng/hộ; Năm 2013 tăng trưởng 40% đạt 100 triệu đồng/hộ. Tính từ đầu năm đến nay, việc sản xuất và kinh doanh của hội có nhiều dấu hiệu khả thi hơn so với mọi năm. Đồng thời, Hội quyết tâm đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân năm 2014 lên 160 triệu đồng/hộ.

Với tư cách là chủ tịch Hiệp hội làng nghề, ông Viễn tự hào về những thành quả mà Hiệp hội đã và đang đạt được. Tuy nhiên, ông cũng luôn trăn trở một điều làm sao để làng nghề truyền thống có thể được bảo tồn, phát triển và quảng bá nhiều hơn nữa để một tương lai không xa, sản phẩm đồ đồng của Lộng Thượng sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng trên toàn quốc.

Chúc Vũ

Chúc Vũ

© Thời báo Tài chính Việt Nam