Vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại: SCIC tiếp quản là thích hợp nhất

10:18 | 07/04/2014 Print
(TBTCVN) - Nên cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp quản phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại các ngân hàng thương mại (NHTM).

SCIC tip nhan von NH

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính ngân hàng, với phóng viên TBTCVN về Dự thảo Quyết định hướng dẫn Nghị quyết số 15 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN.

* Nguyên nhân do đâu dẫn đến nhận định này, thưa ông?

- Tính đến thời điểm hiện nay, việc thoái vốn của DNNN tại các NHTM có 3 cách: Cách thứ nhất, để các NHTM tự xử lý phần vốn của Nhà nước tại ngân hàng, rồi bán trên thị trường. Cách thứ hai và cách thứ ba, theo như Dự thảo Quyết định hướng dẫn Nghị quyết số 15 của Chính phủ ban hành ngày 6/3/2014, các NHTM cổ phần nhà nước, hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mua lại cổ phần của các NHTM.

Cách thứ nhất tôi cho là rất hợp lý, bởi như vậy, các NHTM có thể chủ động tìm đối tác, nhà đầu tư chiến lược phù hợp với cơ địa của mình để mua lại số cổ phần mà DNNN muốn thoái. Tuy nhiên, khả năng cách này sẽ không đáp ứng được lộ trình thoái vốn đến thời điểm 31/12/2015 của Chính phủ.

Vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại: SCIC tiếp quản là thích hợp nhất
Trong khi ngành Ngân hàng đang mong muốn minh bạch trong sở hữu, nếu kéo mấy ông lớn ngành ngân hàng có vốn nhà nước, mua bán cổ phần của các NHTM, sẽ làm cho sở hữu chéo bị phức tạp hơn rất nhiều.   Ông Nguyễn Trí Hiếu

Nhưng với cách thứ hai và thứ ba, tôi cho là không ổn. Nếu làm theo cách thứ hai, sẽ làm tăng vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng mà Việt Nam đang nỗ lực xóa bỏ.

Trong khi ngành Ngân hàng đang mong muốn minh bạch trong sở hữu, nếu kéo mấy ông lớn ngành ngân hàng có vốn nhà nước, mua bán cổ phần của các NHTM, sẽ làm cho sở hữu chéo bị phức tạp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc cho phép các ngân hàng có vốn nhà nước mua cổ phần của các NHTM sẽ làm mất tính cạnh tranh trên thị trường liên ngân hàng, tăng cường vị trí độc quyền của các NHTM cổ phần nhà nước vốn sẵn có nhiều ưu thế về nguồn lực do Nhà nước rót vào. Và như vậy, chúng ta cũng sẽ rất khó có thể vận hành hệ thống ngân hàng theo cơ chế thị trường.

Còn phương án để NHNN mua vốn của các NHTM cũng không phải là điều tốt. Bởi việc làm này thuộc phạm vi kinh doanh. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của NHNN là nhà quản lý ngành Ngân hàng. Vì vậy, NHNN phải rời bỏ tất cả những hoạt động liên quan đến kinh doanh, mặc dù hiện tại NHNN cũng có vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng đây là do lịch sử để lại mà phải chấp nhận.

Khi mà NHNN có vốn tại một ngân hàng nào đó thì ắt sẽ phải gửi đại diện của mình vào hội đồng quản trị của ngân hàng đó để bảo đảm đồng vốn của mình được sử dụng hiệu quả. Tức là NHNN vừa đóng vai trò của nhà quản lý các ngân hàng, vừa là người nhập cuộc chơi. Làm như vậy chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến chồng chéo chức năng và cũng không hợp lý trong nền kinh tế thị trường.

* Vậy theo ông, cách nào để việc tiếp quản phần vốn của DNNN tại các NHTM vừa hợp lý, vừa đảm bảo đúng lộ trình thoái vốn của Nhà nước?

- Theo tôi chúng ta nên lựa chọn phương thức thứ 4. Tức là để cho SCIC tạm tiếp quản phần vốn của DNNN tại các NHTM. Sau đó, vào thời điểm thích hợp sẽ bán ra thị trường nhằm thu hồi lại vốn cho Chính phủ.

* SCIC có ôm đồm quá không khi phải tiếp quản tất cả các phần vốn cần thoái của DNNN thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế?

- Thực sự, nếu dồn công việc này cho SCIC thì sẽ làm cho trách nhiệm của SCIC trở nên nặng nề hơn, nhất là khi SCIC không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng mà lại nắm nhiều cổ phiếu của ngành Ngân hàng.

Nhưng, nếu so sánh thiệt hơn giữa việc để SCIC hay để NHTM có cổ phần của Nhà nước, hoặc NHNN nắm giữ cổ phần của DNNN tại NHTM, thì việc tạm ủy thác phần vốn của Nhà nước tại các NHTM cho SCIC tại thời điểm này đem lại lợi ích lâu dài hơn cho nền kinh tế.

Trong tình huống này, chúng ta nên tạm xem SCIC như “bãi đậu” tạm thời cho việc thoái vốn của Nhà nước, đến khi SCIC tìm được nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực thực sự mua lại số cổ phần của NHTM mà SCIC đang sở hữu. NHTM có cổ phần của Nhà nước hay NHNN không nên là đối tượng tham gia vào chương trình thoái vốn của DNNN theo yêu cầu của Chính phủ.

* Xin cảm ơn ông!

Hà Anh

Hà Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam