Năm 2015, cơ bản chấm dứt xuất khoáng sản lậu

10:58 | 01/04/2014 Print
Thừa nhận mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa hạn chế được tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cam kết cơ bản năm 2015 sẽ không còn xảy ra tình trạng xuất khẩu khoáng sản lậu.

Vu huy hoang

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa 2 kỳ họp, ý kiến của cử tri cả nước và dư luận xã hội thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức phiên chất vấn để Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp trả lời chất vấn.

"Người nông dân, không có lỗi"

Sáng 1/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề là giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường (xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước...); Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; việc thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Tại phiên chất vấn, một vấn đề nóng nhất được nhiều đại biểu (ĐB) cùng đặt câu hỏi là việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản, thuỷ hải sản ồ ạt. ĐB Huỳnh Nghĩa, ĐB Mã Điền Cư, ĐB Trương Minh Hoàng đặt vấn đề phải chăng nguyên nhân là do sự yếu kém, thiếu năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong việc để xảy ra những vụ việc trên, và đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp, lộ trình hành động cụ thể cho vấn đề này.

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, trong những năm qua, đã xuất hiện hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua hàng hoá, nông sản, thuỷ sản Việt Nam. Theo luật Việt Nam, các thương nhân không có hiện diện thương mại ở Việt Nam không được phép thu mua hàng hoá ở Việt Nam, phải thông qua đại diện là doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi Bộ Công thương chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm, tình hình đã có cải thiện.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay lại rộ lên thông tin thương nhân nước ngoài tiếp tục vi phạm. Nổi bật là thông tin thương nhân mua gom cây huyết đằng tỉnh Kon Tum. Bộ đã chỉ đạo kiểm tra và được báo cáo rằng không có hiện tượng này. Đối với thông tin thu mua lá khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long, Sở Công thương Vĩnh Long cho biết có hiện tượng này và đã yêu cầu người mua phải có tư cách pháp nhân, hợp đồng, từ đó các thương lái nước ngoài đã rút lui. Qua kiểm tra, cũng không phát hiện việc thu mua lá cu li (thuốc nam cầm máu) ở Nghệ An, hay thu mua thảo quả ở Hà Giang như thông tin đã đưa.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi, quản lý chặt hiện tượng này, để vừa quản lý tốt và không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đồng thời tăng cường tuyên truyền thông tin cho nông dân.

“Người nông dân không có lỗi, vấn đề là các cơ quan quản lý chưa làm hết sức, hết trách nhiệm trong công việc”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận.

Năm 2015: Cơ bản chấm dứt xuất khoáng sản lậu

Liên quan đến sự việc ách tắc hàng trăm xe dưa hấu tại cửa khẩu, Bộ trưởng cho biết việc dưa hấu ứ đọng tại khu vực cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân là dưa hấu chủ yếu xuất khẩu qua khu vực Tân Thanh, với địa thế rất hẹp nên dù đầu tư nhiều nhưng năng lực thông qua rất hạn chế. Một ngày chỉ thông quan được 300 xe dưa hấu, cùng với cửa khẩu Cốc Nam là khoảng 200 xe/ngày. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, có lúc đến hơn 1.000 xe tập trung tại đây dẫn đến hiện tượng ách tắc. Trong khi đó, chúng ta không thể quyết định việc Trung Quốc nhập khẩu dưa hấu qua cửa khẩu nào.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, do thói quen, tập quán nên một số DN cứ đưa hàng lên biên giới rồi mới tìm khách hàng, dẫn đến bị ép giá, gây ứ đọng ở cửa khẩu. Bộ Công thương đã yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn, kiểm tra, báo cáo, tìm cách giải quyết, phối hợp với Bộ Tài chính làm việc với phía bạn, tăng giờ làm việc tại cửa khẩu đến 9h tối, làm việc cả thứ 7 và CN.

Đối với nạn khai thác lậu khoáng sản gây nhiều bức xúc, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02, quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản trong nước, cấm xuất khẩu khoáng sản thô, chấm dứt khai thác một số khoáng sản gây mất trật tự, an ninh xã hội, trong đó có chấm dứt khai thác vàng.

Sau chỉ thị 02, xuất khẩu lậu khoáng sản đã dần được khắc phục. Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã tụt giảm rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa hạn chế được tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản ở một số địa phương.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết sẽ phối hợp thực hiện nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn, để cơ bản năm 2015 không còn xảy ra tình trạng xuất khẩu khoáng sản lậu.

Sau nội dung này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời các câu hỏi về tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc công khai, minh bạch giá điện và lộ trình thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam