Sản phẩm mây, tre đan: Hướng tới doanh số 1 tỷ USD xuất khẩu

16:30 | 24/12/2013 Print
“Chỉ cần có được thị phần 8-10% của thị trường thế giới thì ngành chế biến mây tre Việt Nam có thể đạt được giá trị tới 1 tỷ USD trong tương lai” - Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành nông nghiệp khi bàn về giải pháp thúc đầy phát triển sản phẩm xuất khẩu ngành mây tre đan Việt Nam.

biểu đồ hình họa

Biểu đồ thị trường mây, tre, cói thảm Việt Nam

Sản phẩm xuất khẩu tới trên 120 quốc gia

Theo Vụ sử dụng rừng (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT), tre nứa, song mây là một trong số những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị thương mại nhất. Dự kiến mây tre là một trong những loài cây chủ lực trong xuất khẩu LSNG, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tiỷ trọng giá trị sản xuất lâm sản ngoài gỗ (LSNG) (trong đó có mây, tre) chiếm khoảng 53%. Hiện nay, ước tính giá trị sản xuất LSNG chỉ chiếm từ 20-25% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm. Từ năm 2000 đến nay, kim ngạnh xuất khẩu hàng hoá LSNG với tốc độ tăng trưởng khá cao từ 15% đến 25% hàng năm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá lâm sản.

Trong đó một trong những sản phẩm LSNG có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân là tre, nứa cung cấp cho công nghiệp giấy, làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và hàng tiêu dùng; mây, song là nguyên liệu để sản xuất đồ gia dụng, bàn ghế, sản phẩm mỹ nghệ.

Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối Nguyễn Trọng Thừa (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngành tiểu thủ công nghiệp này thu hút một lực lượng lao động đông đảo, khoảng 350 ngàn người. Sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã được xuất khẩu tới trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 200 triệu USD trong mấy năm gần đây.

Thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đối với các sản phẩm mây tre là Đức (37 triệu USD), Mỹ (32,3 triệu USD USD), Nhật Bản (31,1 triệu USD), Pháp (12,8 triệu USD), Tây Ban Nha (10,8 triệu USD), Đài Loan (10,4 triệu USD),...

Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu ra thế giới của mây tre Việt Nam hiện vẫn còn rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 3% của thị trường thế giới.

Về doanh nghiệp sản xuất, nước ta có 88 doanh nghiệp chế biến tre, trúc; 40 công ty chế biến mây, song. Năng lực chế biến tre, trúc là 250.000 tấn tre, nứa/năm; bốn nhà máy ván tre, luồng với công suất 4.000 m3/năm; năng lực chế biến song mây là 100.000 tấn/năm.

Theo đại diện của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù mây tre xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất định như: giá nhân công, giá sản phẩm rẻ hơn với các nước trong khu vực, mẫu mã truyền thống mang đậm tính dân tộc... Tuy nhiên, sản phẩm mây tre xuất khẩu cũng gặp sự tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và giữa bản thân các doanh nghiệp trong nước với nhau.

Ngoài ra các doanh nghiệp nước ta còn chưa nắm vững thị hiếu và nhu cầu của nước nhập khẩu, chưa có chiến lược quy mô lớn về xuất khẩu trong tương lai, năng suất sản xuất còn thấp. Cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ nhìn chung quy mô nhỏ, phân tán không gắn với vùng nguyên liệu; công nghệ và thiết bị chế biến lâm sản lạc hậu, nên sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh thấp.

Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực

Nói về tiềm năng phát triển của mây tre đan Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thừa cũng hy vọng, các sản phẩm tre chế biến công nghiệp sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế trong cơ cấu sản phẩm chế biến, để có thể đưa kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm mây, tre hàng năm lên mức 500-700 triệu USD trong tương lai không xa.

Để phát triển sản xuất và kinh doanh xuất khẩu mây tre bền vững, chiếm 8 - 10% thị phần của thị trường thế giới, các chuyên gia đều cho rằng, trước hết Nhà nước định hướng tập trung vào phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Lực lượng tham gia sản xuất hàng mây tre đan chủ yếu là lao động thủ công tại các làng nghề, tham gia sản xuất trong thời gian nông nhàn và thu hút một số lượng lớn lao động thủ công. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ nghệ nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đủ sức cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất, xuất khẩu.

Các công ty cũng cần tự xây dựng chính sách và chiến lược thị trường sản phẩm mây tre đan. Đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, chủ động tìm hiểu thị trường nhập khẩu từ đó đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Cần nghiên cứu để đưa ra các chính sách tiêu thụ sản phẩm từ các làng nghề truyền thống; xúc tiến quảng bá sản phẩm mây tre cần được thực hiện một cách tích cực trên cơ sở hình thành trang chủ về các sản phẩm mây tre thông qua các Hiệp hội ngành hàng liên quan.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam