Các dự án điện cấp bách: được vay vượt 25% vốn tự có

17:55 | 16/12/2013 Print
Các tổ chức tín dụng được cho vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng và vượt 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng có liên quan khi xem xét cho vay vốn dự án thuộc danh mục các dự án điện cấp bách.

Đây là một trong những chỉ đạo tại Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2015.

Theo đó, bổ sung vào quy hoạch điện VII các dự án: Dự án điều chỉnh Nhà máy điện Cẩm Phả 3 từ quy mô công suất 2 x135 MW lên công suất 2x220 MW đưa vào vận hành trong năm 2019 và trạm cắt 500 kV Pleiku 2.

dien luc

Các dự án điện cấp bách sẽ được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Ảnh: S.T

Các dự án điện cấp bách thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2013 - 2020 là các dự án nhà máy nhiệt điện: Long Phú 1, Vinh Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng và trạm cắt 500kV Pleiku 2 và các công trình nguồn điện và lưới điện cấp bách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Bộ Công thương.

Quyết định cũng quy định các dự án cấp bách là các dự án đáp ứng tiêu chí dự án nguồn và lưới điện cần phải đưa vào vận hành gấp để chống quá tải cho một khu vực nào đó của lưới điện hoặc để bù đắp lượng công suất nguồn điện thiếu hụt do chậm tiến độ của các dự án điện khác; các dự án lưới điện cần đầu tư gấp để đảm bảo đồng bộ với các dự án nguồn điện hoặc có vai trò quan trọng trong việc điều hòa công suất nguồn điện giữa các khu vực.

Các dự án điện cấp bách sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án; quá trình thực hiện thiết kế kỹ thuật; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu; giá hợp đồng và về thu xếp vốn cho dự án.

Chẳng hạn, giá hợp đồng EPC của các dự án nhà máy điện cấp bách được thực hiện theo phương thức: giá và chi phí cho thiết bị và dịch vụ nhập khẩu là giá trọn gói.

Giá cho phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước là giá điều chỉnh khi có biến động về tỷ giá, đơn giá nhân công và giá nguyên vật liệu đầu vào khác, đảm bảo đủ chi phí cho thực hiện dự án.

Về thu xếp vốn cho Dự án, Quyết định nêu rõ, Bộ Tài chính thực hiện việc bảo lãnh cho chủ đầu tư vay vốn nước ngoài theo quy định của Luật quản lý nợ công và Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 nãm 2011 của Chính phủ vê câp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Đối với vốn vay thương mại trong nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước bố trí đủ vốn cho chủ đầu tư vay theo yêu cầu thực tế của từng dự án.

Bên cạnh đó, cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng và vượt 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng có liên quan khi xem xét cho vay vốn dự án thuộc danh mục các dự án điện cấp bách. Giao NHNN Việt Nam xem xét, phê duyệt mức cấp tín dụng cụ thể theo đề nghị của các ngân hàng thương mại đối với từng dự án.

Đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng trong nước được miễn thẩm định hiệu quả kinh tế, tài chính đối với từng dự án truyền tải điện riêng rẽ khi xem xét cho chủ đầu tư vay vốn thực hiện dự án truyền tải điện cấp bách./.

TN

TN

© Thời báo Tài chính Việt Nam